C h u y ệ n k h á n g c h i ế n

Nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành!

Cập nhật, 15:36, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

Đó là tâm huyết của những chiến sĩ giao liên công khai.

Thật ra trong kháng chiến, đây cũng là quyết tâm chung của mọi chiến sĩ cách mạng, nhưng đối với người giao liên công khai, nó mang ý nghĩa đặc biệt hơn bởi sự đặc thù trong công việc của họ: tính quan trọng và cấp bách của thông tin họ đảm trách trong hệ thống liên lạc đã được ví như sự lưu thông trong mạch máu của một cơ thể sống, tắc một nơi nào đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều nơi khác ngay. Sau đây là một vài tình huống đó...

 

Bình tĩnh vượt qua bất trắc

Năm 1972, để chuẩn bị cho việc chớp thời cơ ngay sau khi Hiệp định Paris sẽ được ký kết, đồng chí Nguyễn Ký Ức (Năm Liệt)- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- được triệu tập khẩn cấp về dự họp ở R (Trung ương Cục miền Nam).

Để đảm bảo yêu cầu về thời gian, chuyến đi của đồng chí bí thư được quyết định là sẽ tổ chức theo đường công khai do có thuận lợi là ông đã vào tuổi trung niên. 2 nữ đồng chí cốt cán bộ phận giao liên công khai của Tỉnh ủy là Tư Nhất và Năm Nga (Nguyễn Thị Kim Liên) được giao nhiệm vụ chuẩn bị và trực tiếp thực hiện chuyến đi quan trọng này.

Chuyến đi được 2 chị cẩn thận chuẩn bị từ những giấy tờ tùy thân và các nội dung địch hay xét hỏi đến cả phương án đi. Theo đó, ngoài nhân vật chính là đồng chí bí thư và 2 chị thì còn có cháu Hải Dân mới 2 tuổi là con của chị Năm Nga để cả đoàn thêm dáng vẻ dân sự trước mắt kẻ địch.

Đoàn sẽ dùng ghe của bộ phận mình từ căn cứ ở Vĩnh Long đến Long Xuyên, sau đó lên bộ đi bằng xe khách đến Châu Đốc và qua Tân Châu rồi lại dùng đò khách lên biên giới Campuchia để về căn cứ R. Khởi đầu chuyến đi đều thuận lợi cho đến khi chiếc ghe máy của họ vào vàm Cả Trâm trên địa phận tỉnh Cần Thơ.

Tại đây, bọn cảnh sát địch ở một chốt kiểm soát chận ghe lại tra xét rồi bất ngờ ra lệnh giữ cả người lẫn ghe dù họ đã trình ra đủ các loại giấy tờ đi đường cần thiết.

Tuy đã tiên lượng trước, nhưng lần này điều khiến 2 chị vô cùng lo lắng là mọi chú ý chúng đều dồn vào đồng chí bí thư. Bằng mắt, 2 chị nhắc nhau hãy thật bình tĩnh để nhanh chóng có biện pháp ứng phó tốt nhất.

Đỉnh điểm của tình huống này là khi tên cảnh sát chỉ huy cho rằng mọi giấy tờ của đồng chí bí thư như giấy cáo mất thẻ căn cước, giấy phép đi trị bệnh, giấy xác nhận bị bệnh phổi của bác sĩ điều trị cho ông đều là giấy giả (thật sự là giấy giả do bộ phận chuyên môn của Tỉnh ủy làm ra).

Hết xem tới xem lui các giấy tờ rồi săm soi nhìn đồng chí bí thư, cuối cùng hắn phán: “Cha này cước tuổi để trốn quân dịch chứ mặt mày này mà 49 tuổi sao?” Quả đúng phóc, bởi đồng chí bí thư năm đó mới 41 tuổi nên dù có cố ngụy trang cho đồng chí già đi để hợp với cái tuổi 49 trên giấy tờ giả (cho qua khỏi cái tuổi 47 phải làm phòng vệ dân sự theo quy định của địch) nhưng xem ra đồng chí vẫn còn khá… trẻ!

Có điều khi nghe hắn nói thế, trong bụng 2 chị Tư Nhứt và Năm Nga… mừng ran, bởi như thế chứng tỏ địch chưa phát hiện được gì, chúng quát nạt và làm khó như thế là muốn… làm tiền! Để trấn an đồng chí bí thư, chị Năm Nga bước tới mấy bước trao bé Hải Dân cho ông bồng để có cớ nói nhỏ: “Bình tĩnh, nó ăn tiền!”

Sau cuộc thương lượng hối lộ khéo léo bằng 2 nấc để qua mắt địch, trước tiên là 10 ngàn rồi 12 ngàn đồng (tương đương gần 8 chỉ vàng), bọn chúng mới làm ra vẻ thông cảm cho đoàn được đi tiếp. Mất tiền, nhưng đó quả là một cái giá rất hời nếu địch biết được chúng vừa vuột mất một mẻ lưới rất to: để sổng một cán bộ đứng đầu một tỉnh của “Việt Cộng” !

Chấp nhận hiểm nguy

Năm 1973, một chiếc ghe của bộ phận giao liên công khai của Tỉnh ủy Vĩnh Long bất ngờ bị địch giữ lại tại huyện lỵ Trà Ôn.

Chiếc ghe này tải trọng 5 tấn có nhiệm vụ giữ liên lạc cho Tỉnh ủy Vĩnh Long và Khu ủy Tây Nam Bộ đang đóng ở một vùng căn cứ tỉnh Cà Mau.

Ghe thường xuyên được ngụy trang là ghe thương hồ chuyên buôn bán trái cây. Chỉ huy ghe là đồng chí Lê Văn Đẩu, 67 tuổi. Còn đồng chí Nguyễn Thị A, 24 tuổi, đóng vai cháu nội theo hỗ trợ.

Lần đó, sau khi nhận hàng là một tài liệu đặc biệt từ căn cứ của Tỉnh ủy ở Tam Bình, vừa ra đến chợ huyện lỵ Trà Ôn thì bị lộ bởi bọn chiêu hồi chỉ điểm. Đồng chí Đẩu ngay sau đó bị địch bắt giam, nhưng vì chưa có chứng cứ rõ ràng nên đồng chí A được chúng cho ở lại giữ ghe đang bị kéo về đậu tại bến của dinh quận trưởng.

Được tin ghe bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Ký Ức- Bí thư Tỉnh ủy- lệnh cho ban chỉ huy ngành giao liên công khai bằng mọi cách lấy cho được tài liệu về, không để lọt vào tay giặc.

Đồng chí Năm Nga và Út Mót được phân công thực hiện việc thu hồi tài liệu. Cả 2 đều nhận định nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, bởi tài liệu hiện dấu trên ghe đang bị địch bắt giữ có nguy cơ bị lộ, còn 2 đồng chí liên quan người thì bị địch giam giữ khảo tra, người còn lại thì bị nghi ngờ giam lỏng, còn bọn chỉ điểm có thể đang lập lờ đâu đó nên mọi hiểm nguy đang rình rập phía trước.

Có hay không việc địch giăng bẫy đợi họ? Sau khi bàn bạc kỹ, 2 chị chấp nhận mạo hiểm khi vào vai bạn hàng dùng xuồng lân la tiếp cận chiếc ghe chở đầy trái cây của đồng chí A, giả vờ hỏi mua trái cây và nhân lúc thuận lợi, chị Năm Nga chỉ đạo cho A xin bọn địch cho cô ra chợ Trà Ôn gần đó để bán trái cây đang chín, tại đó chị và Út Mót sẽ đón để nhận lại tài liệu.

Sau 2 ngày bị A liên tục nài nỉ và cũng chẳng nhận được lời khai nào của đồng chí Đẩu, bọn địch chấp thuận cho cô đưa ghe sang chợ Trà Ôn bán số trái cây chín để “cắt lỗ lã”. Chỉ chờ có thế, hòa nhập vào số người đang bán buôn nhộn nhịp của buổi chợ sáng, chị Năm Nga và Út Mót cảnh giác bọn chỉ điểm rồi tiếp cận ghe của A.

Lợi dụng việc mua bán này, trong chớp nhoáng A cho tài liệu vào ống quần túm lại bước qua xuồng của chị Năm xổ ra rồi lấy trái cây đậy lại. Việc thanh toán mua bán của họ nhanh chóng diễn ra sau đó, trước khi bung xuồng ra về căn cứ, chị Năm không quên nhắc nhỏ đồng chí A “thủ tiêu công sự” (nơi cất giấu tài liệu trên ghe) để xóa mọi dấu vết.

Sau đó 2 ngày, tuy không khai thác được gì từ đồng chí Đẩu, địch cũng bắt giam luôn đồng chí A rồi giải cả 2 về Tam Bình cho bọn chiêu hồi nhìn mặt, sau đó giải về giam ở khám lớn Vĩnh Long. Sau 6 tháng giam cầm, vì thiếu tang chứng địch buộc phải thả họ ra.

HỒNG VÂN

(Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên)