Tiến thoái lưỡng nan

Cập nhật, 08:29, Thứ Sáu, 06/08/2021 (GMT+7)

Giải pháp “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí tăng để đáp ứng yêu cầu vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch COVID-19, doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng đang đối mặt những thách thức khác.

Qua đợt khảo sát tại doanh nghiệp của đoàn kiểm tra tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa dài ngày vì không đủ điều kiện hoạt động. Trong khi việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” có vẻ khá ổn đối với doanh nghiệp chừng vài chục công nhân, nhưng lại đặt ra thế tiến thoái lưỡng nan cho những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn. Một doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm bảo rằng nếu không phải ngành hàng thiết yếu đã đóng cửa nhà máy, không phải vấn đề chi phí, mà hầu hết người lao động “đòi về nhà, không chịu 3 tại chỗ”. Doanh nghiệp nỗ lực chỉ duy trì hoạt động chừng 30% công suất.

Nhiều doanh nghiệp không thể đạt được đồng thuận với người lao động do “người thân bắt ở nhà vì sợ lây nhiễm bệnh”. Mặt khác, một số doanh nghiệp được duyệt phương án “3 tại chỗ” vẫn “lựng xựng”. Có doanh nghiệp dù đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho phương án, vẫn đang tính toán lại việc sản xuất, bởi lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Tâm lý bất ổn, việc phải xa cách người thân trong suốt thời gian làm việc “3 tại chỗ” của người lao động khiến nhiều doanh nghiệp khó thực hiện phương án. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” vẫn là giải pháp lý thuyết với ngành dệt may. Các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” cũng không hiệu quả khi tình trạng lao động thiếu hụt, có nhiều doanh nghiệp số công nhân tham gia chỉ có 10- 20% dù lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thuyết phục. Trước tình hình năng suất lao động sụt giảm, nhiều đối tác nước ngoài đã bắt đầu rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba.

Trong khi đó, rất nhiều hiệp hội ngành nghề cho rằng bài toán lao động không chỉ là số lượng mà ngay cả vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng. Bên cạnh áp lực về tài chính, các nhà máy bị dịch bệnh xuyên thủng những ngày vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp.

Do vậy, cùng với mong muốn Chính phủ có quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần sớm tiêm vắc xin cho người lao động, cụ thể là những đối tượng đang tham gia sản xuất, bởi nếu không được chích ngừa, chuỗi sản xuất sẽ không thể nào an toàn trước dịch bệnh.

TRẦN PHƯỚC