"Khuyết thế hệ "

Cập nhật, 07:44, Thứ Ba, 22/12/2015 (GMT+7)

Số liệu từ 4 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở giai đoạn 1979- 2009 cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm tuổi thấp nhất từ 60- 69 tăng chậm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình 70- 79 và già nhất từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn.

Số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho giai đoạn 2009- 2049 cho thấy: khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số “già” cũng là lúc nhóm dân số cao tuổi nhất tăng với tốc độ cao nhất.

Tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên là 200 cụ bà/100 cụ ông. Tốc độ già hóa dân số cũng tăng mạnh mẽ.

Tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình. Số người cao tuổi tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển.

Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993- 2008 cho thấy rõ xu hướng thay đổi này: tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có vợ chồng người cao tuổi có tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình khuyết thế hệ dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn 2 lần.

Khuyết thế hệ là vấn đề xã hội lớn của Việt Nam thời hiện đại.

HOÀNG HÀ