Công tác binh vận trong thời khắc quyết định

Cập nhật, 06:01, Thứ Hai, 29/04/2024 (GMT+7)
Đồng chí Nguyễn Văn Bá (bìa trái)- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 và Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long, sáng ngày 1/5/1975. Ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Văn Bá (bìa trái)- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 và Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long, sáng ngày 1/5/1975. Ảnh: TL
Sáng ngày 1/5/1975, trước sức ép của quân ta, Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long Đại tá Lê Trung Thành chấp nhận đầu hàng vô điều kiện và bàn giao tiểu khu và chính quyền cho quân giải phóng. Như vậy, trong đêm 30/4 và đến sáng ngày 1/5 toàn bộ tỉnh Vĩnh Long được giải phóng đúng theo phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Góp vào chiến công lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng binh vận và công tác binh vận tỉnh Vĩnh Long.
 
Công tác binh vận là gì? 
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác binh vận (có giai đoạn là binh- địch vận) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (1/1959) BCH Trung ương Đảng khóa II đã xác định: “Đảng phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu tranh thủ được binh lính đồng tình với cách mạng xây dựng khối công nông binh liên hiệp…”.
 
Sau đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (9/1963) của BCH Trung ương Đảng (khóa III) khẳng định: “Xuất phát từ phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chúng ta phải kết hợp đánh địch bằng 3 mũi: Đánh địch bằng chính trị, đánh địch bằng quân sự và đánh địch bằng binh vận… Công tác binh vận phải được làm tốt để phục vụ đắc lực cho phương hướng tiến tới tổng công kích và tổng khởi nghĩa của ta”.
 
Thực hiện kiên trì đường lối “Chiến tranh Nhân dân, toàn dân toàn diện”, công tác binh vận được Đảng ta lãnh đạo thực hiện xuyên suốt trong cuộc chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược giải phóng đất nước, đặc biệt là trong 20 năm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin kể lại công tác binh vận của tỉnh nhà những tháng đầu năm 1975 cho đến ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc.
 
Trong mùa khô cuối năm 1974 đầu năm 1975, Tỉnh ủy Vĩnh Long đề ra nhiệm vụ công tác binh- địch vận như sau: “Đẩy mạnh phong trào toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực tham gia công tác binh- địch vận, nhất là thúc đẩy cho được phong trào rộng lớn của gia đình binh lính đi giáo dục con em làm tan rã hàng ngũ địch, nhất là “phòng vệ dân sự” và dân vệ; giáo dục, lôi kéo chồng, con, em họ trả đất cho dân, lập công trở về với cách mạng, góp phần cùng mũi chính trị, vũ trang bao vây dứt điểm nhiều đồn bót, mở rộng vùng nông thôn giải phóng.
 
Ta phá nhiều tổ chức “phòng vệ dân sự” ở vùng kềm mới bằng giải giới, diệt ác, đưa lực lượng này vào vùng của ta, chọn người tốt giáo dục họ tham gia lực lượng vũ trang. Hình thành các tổ chức tấn công binh- địch vận vào các mục tiêu đồn bót. Khẩn trương xây dựng cơ sở nội ứng, nội tuyến phục vụ nhiệm vụ trước mắt là đánh bại bình định, đánh bảo an đồng thời phát triển cơ sở cho phương hướng lâu dài…
 
Về phía địch, do xác định tỉnh Vĩnh Long là địa bàn trọng điểm nên chúng tập trung xây dựng lực lượng, xây dựng bộ máy chiến tranh chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã, ấp với mạng lưới đồn bót dày đặc theo các tuyến lộ, tuyến sông và những nơi trọng yếu. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ đắc lực của hai sư đoàn chủ lực, cơ động là Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 bộ binh. Tính đến thời điểm đầu năm 1975, tổng quân số của địch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có trên 45.000 tên, chưa kể lực lượng an ninh, cảnh sát.
 
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong 3 tháng vào Chiến dịch mùa khô 12/1974-2/1975, phong trào cách mạng 3 mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận đã liên tiếp tấn công địch trên khắp các chiến trường trong tỉnh, nhất là các chiến trường trọng điểm gây cho địch nhiều tổn thất, bứt hàng, bứt rút nhiều đồn bót, vùng giải phóng được mở rộng lại. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.500 tên địch, (trong số này có 895 tên đào rã ngũ), thu 370 súng các loại, hàng trăm ngàn viên đạn, 14 máy truyền tin PRC; bứt hàng, bứt rút và diệt 129 đồn, diệt 2 phân chi khu (Trung Hiếu, Hòa Tịnh).
 
13 giờ ngày 12/4/1975, đoàn cán bộ binh vận mũi khởi nghĩa họp công bố lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa; phân công cán bộ phụ trách các mũi cụ thể với quyết tâm cao. Lực lượng binh vận có nhiệm vụ như sau:
 
1. Phát động quần chúng và gia đình binh sĩ địch thấy được thế và lực của cách mạng, sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ còn là thời gian. Từ đó, phải có thái độ dứt khoát đi cứu chồng, con, em khỏi cái chết oan uổng, nếu sớm trở về với gia đình, với Nhân dân sẽ được sự khoan hồng của cách mạng. Qua đó, ta chọn số binh sĩ tích cực làm nội ứng khởi nghĩa.
 
2. Bằng nhiều cách phổ biến, học tập rộng rãi chính sách 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho gia đình binh sĩ địch.
 
3. Sau khi vào tiếp quản thị xã, thực hiện đúng chính sách 7 điểm để phát huy ảnh hưởng và ổn định chung các gia đình binh sĩ.
 
4. Tập hợp số binh lính, sĩ quan tan rã tại chỗ để phân hóa giáo dục, ổn định tư tưởng, xử lý đúng chính sách đã quy định. Qua đó khai thác tài liệu, thu gom vũ khí, nắm âm mưu, thủ đoạn hậu chiến trước mắt và lâu dài của địch, khai thác truy tìm số ác ôn còn giấu mặt trốn trình diện…
 
5. Chọn số sĩ quan tốt, có uy tín trong binh sĩ cho ra lời kêu gọi binh sĩ.
 
Diễn biến của tổng tấn công, tổng nổi dậy giải phóng TX Vĩnh Long và công tác binh vận
 
Từ đêm 28/4/1975, quân ta tấn công tiêu diệt một số đồn bót, phân chi khu ven thị xã, mở đường cho các cánh quân áp sát tạo thành thế bao vây TX Vĩnh Long.
 
Từ 8 giờ sáng ngày 30/4, các mũi tiến công của quân ta đã áp sát vùng ven TX Vĩnh Long sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.
 
Sau khi Đại tướng Dương Văn Minh- Tổng thống chính quyền Sài Gòn, có lời tuyên bố đầu hàng trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn, lực lượng nổi dậy giải phóng TX Vĩnh Long trong đó có binh vận bắt đầu hành động, phát động quần chúng nổi trống, mõ kêu gọi chỉ huy các đồn, bót, cứ điểm quân sự lập tức thực hiện lời tuyên bố của tổng thống là buông súng, treo cờ trắng đầu hàng quân cách mạng.
 
Cán bộ binh vận nhanh chóng dùng loa phóng thanh phát liên tục lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận sự đầu hàng của sĩ quan đại diện quân giải phóng. Khí thế của quần chúng rất cao từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, tình hình của TX Vĩnh Long từ trưa đến chiều ngày 30/4/1975 rất căng thẳng, bởi chỉ huy các trung đoàn, các căn cứ quân sự chủ yếu, các chi khu quân sự quận tuyên bố không đầu hàng và sẽ tử thủ nên binh lính im lìm án binh bất động.
 
Cán bộ binh vận tỉnh, thị xã nhanh chóng liên lạc, gặp gỡ gia đình binh lính, sĩ quan nhất là gia đình các sĩ quan chỉ huy phổ biến chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với binh lính, sĩ quan và người làm việc, cộng tác với chính quyền Sài Gòn; vận động các cha mẹ, vợ con binh lính bỏ súng đầu hàng quân cách mạng, trở về với gia đình. 
 
Tại Sở Chỉ huy Tiền phương, qua máy truyền tin PRC, ta liên lạc với Tiểu khu Vĩnh Long và đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung) trực tiếp nói chuyện với tên Đại tá Tỉnh trưởng Vĩnh Long Lê Trung Thành, vận động hắn sớm thực hiện lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Tên Tỉnh trưởng Thành trả lời rằng y chưa nhận được lệnh của Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ và khi nào có lệnh của Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật thì y sẽ thi hành ngay.
 
Đến 20 giờ tối cùng ngày, tên Tỉnh trưởng Thành liên lạc với sở chỉ huy của ta cho biết là đồng ý gặp đại diện quân giải phóng để bàn việc bàn giao quân đội, chính quyền tỉnh và hỏi phía ta cử cán bộ cấp nào. Sau khi hội ý, đồng chí Nguyễn Đệ thông báo với tên Thành là cử Thiếu tá Nguyễn Văn Bá (tức đồng chí Sáu Bá, Trung đoàn phó Trung đoàn 3) làm đại diện đi liên lạc. Ta chọn địa điểm gặp cách cầu Vồng 2.000m về hướng Nam lúc 22 giờ. Tín hiệu liên lạc là 3 lần đèn pha xe tắt- mở.
 
Sĩ quan được Tỉnh trưởng Vĩnh Long cử ra tiếp xúc với ta là Trung tá Bộ. Sở chỉ huy ta cử một tiểu đội chiến sĩ trang bị vũ khí đầy đủ đi cùng đồng chí Sáu Bá phòng khi địch không thực hiện cam kết. Tuy nhiên cuộc tiếp xúc đầu tiên có tính chất binh vận của đồng chí Sáu Bá và tên Bộ diễn ra đúng kế hoạch và an toàn. Tên Trung tá Hai tiếp nhận tất cả các điều khoản do đồng chí Sáu Bá nêu ra. Ta cũng chấp nhận giờ bàn giao là sáng sớm ngày 1/5/1975, vào lúc 6 giờ, tại dinh Tỉnh trưởng (nay là Bảo tàng tỉnh).
 
Mọi việc sau đó diễn ra đúng như kế hoạch và sự thỏa thuận. Trong đêm, tất cả đồn bót, khu quân sự, cảnh sát, tòa hành chính tỉnh,… đều treo cờ trắng thay cho cờ vàng 3 sọc.
 
Trải qua 21 năm chiến tranh với rất nhiều mất mát, hy sinh và chiến tranh kết thúc trong một đêm như thế đó, thị xã hoàn toàn nguyên vẹn không bị tàn phá, máu của Nhân dân (và của quân đội hai bên) không phải đổ thêm. Điều đó, trước hết nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, của Bộ Chỉ huy chiến dịch, của quân đội và các lực lượng tham gia, trong đó ghi nhận công lao của đồng chí Nguyễn Văn Bá và các đồng chí cùng đi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ binh- địch vận được giao.
HOÀNG KHẢI 
(Theo tài liệu Tổng kết công tác
binh vận tỉnh và Lịch sử Đảng bộ tỉnh)