Lợi ích kép từ dự án đê bao sông Măng Thít

Cập nhật, 18:07, Thứ Năm, 25/01/2024 (GMT+7)

(VLO) Dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) khi hoàn thành sẽ phát huy tối ưu hiệu quả trong việc ngăn lũ, triều cường, kiểm soát mặn, tiêu thoát nước, bảo vệ cho khoảng 60.000ha đất sản xuất. Đồng thời, góp phần phát triển giao thông, kinh tế- xã hội tại địa phương.

 Đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) gồm 1 tuyến đê bao với chiều dài 42,9km kết hợp giao thông và bảo vệ cho khoảng 60.000ha đất sản xuất.
Đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) gồm 1 tuyến đê bao với chiều dài 42,9km kết hợp giao thông và bảo vệ cho khoảng 60.000ha đất sản xuất.

Tại huyện Mang Thít, đê bao đi qua hơn 19km với 5 cống hở và 1 công trình kè. Đến nay, tiến độ đê bao kết hợp đường giao thông hoàn thành 95%, các cống hở đã hoàn thành 100%.

Qua đó, góp phần khép kín khoảng 4.200ha đất nông nghiệp, giúp việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, giá cả hàng hóa nông sản tăng; chủ động nguồn nước tưới tiêu, ngăn triều cường, phòng chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất hiệu quả.

Những hạng mục hoàn thành bước đầu đã phát huy tác dụng, khép kín khoảng 4.200ha đất nông nghiệp, giúp việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, giá cả hàng hóa nông sản tăng; chủ động nguồn nước tưới tiêu, ngăn triều cường, phòng chống hạn mặn, phục vụ sản xuất hiệu quả.

Tại xã Chánh An- điểm đầu của tuyến đê giờ đây xe đã có thể chạy bon bon trên đường, vừa ngắm sông, ghe tàu qua lại và thưởng thức muôn sắc hoa rực rở do bà con vun trồng, chăm sóc. Chưa kể, từ khi có đường bà con góp tiền lắp trụ đèn thắp sáng đường quê.

Chú Nguyễn Ngọc Bá (xã Chánh An) phấn khởi đưa chúng tôi thăm 10 công đất trồng măng cụt, nói: “Từ hồi có đê bao tui và bà con mừng lắm, khỏi lo ngập, tới đợt thu hoạch bán buôn gì cũng dễ, giá cả cũng cao hơn trước. Không những vậy tui còn có thể nuôi cá trong ao”.

Chú Nguyễn Ngọc Út (ngụ cùng xã) không quên cảnh sạt lở, nước tràn bờ ngập vườn cây, “nhưng khổ nhất là cảnh tụi nhỏ đi học”. Từ khi có đê bao đi qua, không còn ngập nữa, bà con cải tạo vườn trồng thêm nhiều cây mới, chuyên chở mua bán đi lại gì cũng dễ dàng nên ai cũng mừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An- Đặng Trương Hoài Linh thông tin, hơn 500ha vườn cây ăn trái của được bảo vệ sản xuất; đồng thời bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang cây, con có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

Các công trình cống hở của dự án giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, ngăn triều cường, phòng chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất hiệu quả.
Các công trình cống hở của dự án giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, ngăn triều cường, phòng chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- Nguyễn Chí Quyết cho biết, dự án đi qua hoàn thành đã góp phần làm thay đổi lớn bộ mặt các xã vùng ven của huyện, đường giao thông thông thoáng, kinh tế phát triển, đời sống người dân có nhiều khởi sắc. Phát huy hiệu quả này, thời gian tới, huyện sẽ định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để mạnh dạn đầu từ các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Dự án Đê bao sông Măng Thít địa bàn huyện Tam Bình đã góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt các xã vùng ven của huyện.
Dự án Đê bao sông Măng Thít địa bàn huyện Tam Bình đã góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt các xã vùng ven của huyện.

Tại xã Nhơn Bình (Trà Ôn), nơi có khoảng 250ha vườn cây ăn trái được đê bao bảo vệ. Giờ đây, đường sá khang trang, nhà cửa đông đúc, vườn cây trái tươi tốt.

Lão nông Tạ Văn Tâm có vườn chanh hơn 10 công đang vào vụ, phấn khởi. “Trước đây mỗi mùa nước lớn thì nhà cửa, vườn cây của gia đình đều bị ngập nước. Khi đê bao hoàn thành, khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân được khép kín, không lo nước ngập. Đường giao thông thông suốt, thuận tiện cho việc vận chuyển phân bón, nông sản nên tui mạnh dạn đầu tư trồng hàng chục công chanh luôn.”

Dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) dài hơn 42km, được xây dựng tại các huyện: Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn với tổng mức đầu tư hơn 1.458 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 90%. Trong đó, đê bao đã đắp nền hoàn thành 40,1km, đổ đan trên 30km, hoàn thành 14 cống…Các khó khăn về giải phóng mặt bằng, khắc phục sạt lở được khẩn trương phối hợp giải quyết đạt tiến độ đề ra.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, hệ thống đê bao đoạn qua huyện Trà Ôn đã hoàn thành, đoạn qua huyện Mang Thít phấn đấu hoàn thành trong quý I/2024, đoạn qua huyện Vũng Liêm phấn đấu hoàn thành trong quý II/2024. Ngoài ra, trên tuyến còn 4 cống hở và 2 tuyến kè đã thi công đạt khối lượng gần 90%, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành trong quý I và quý II năm nay để bàn giao cho địa phương.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN TÂN