Hướng tới mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại

Cập nhật, 05:44, Thứ Tư, 22/03/2023 (GMT+7)
 Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Trịnh Minh Bình chất vấn Chánh án TAND tối cao.
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Trịnh Minh Bình chất vấn Chánh án TAND tối cao.

(VLO) Tại hội nghị trực tuyến về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát được các đại biểu Quốc hội chất vấn nhằm tìm ra nguyên nhân, giải pháp để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngành tòa án và ngành kiểm sát có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nhất là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên.

Đối với ngành kiểm sát, với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, ngành đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành ngày càng tốt hơn trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Song, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong 2 lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Đối với lĩnh vực tòa án, nhiều đại biểu chất vấn về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án.

Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến...

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn tại hội trường các vấn đề đại biểu chất vấn. Đồng thời, TAND tối cao cũng có văn bản báo cáo trình bày về các nhóm vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo báo cáo của TAND tối cao, về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, trong 5 năm qua, các tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo.

Quá trình giải quyết, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.

Đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao do các tranh chấp phát sinh có xu hướng tăng về số lượng và chủ yếu liên quan đến đất đai rất phức tạp.

Đại biểu Trịnh Minh Bình- Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, chất vấn: “Có ý kiến đề nghị thành lập đề án trình Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về trình tự thủ tục quy định đối với phiên tòa trực tuyến. Với vai trò là người đầu ngành tòa án, chánh án có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Hiện nay, việc xác định thiệt hại trong các dự án kinh tế, tham nhũng, nhất là trong các dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn do các công trình thi công trong nhiều năm chưa được quyết toán, dẫn đến không thực hiện được giám định. Chánh án trong thời gian tới có giải pháp gì để khắc phục các hạn chế nêu trên?”.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33, TAND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến.

Tính đến hết tháng 2/2023, có tổng cộng 647 tòa án (3 TAND cấp cao; 63 TAND cấp tỉnh và 581 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án về hình sự, dân sự, hành chính và các vụ việc khác.

Tuy nhiên, hiện nay, các tòa án chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ, nên gặp nhiều khó khăn về chất lượng và nội dung này chưa được bố trí nguồn. Các tòa án còn lúng túng trong triển khai thực hiện một phiên tòa trực tuyến chuyên nghiệp.

Thời gian tới, TAND tối cao tiếp tục chỉ đạo tòa án các cấp khắc phục khó khăn để bảo đảm việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33 của Quốc hội thực sự hiệu quả.

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại phiên họp là phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, được cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, TAND tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan nắm chắc tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư pháp.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Các tin khác: