Những người "chân đất" xây mới quê hương

Cập nhật, 05:30, Thứ Tư, 19/09/2018 (GMT+7)

Nhiệm kỳ qua (2013- 2018), các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động, mô hình thiết thực nhằm phát huy có hiệu quả phong trào ND thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hạ tầng được hoàn thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân nâng cao… là thành quả từ sự đóng góp không nhỏ của các cấp hội và những người “chân đất”- những chủ thể trong xây dựng NTM.

Đời sống vợ chồng ông Cao Hoàng Tài (giữa) ngày càng khấm khá hơn.
Đời sống vợ chồng ông Cao Hoàng Tài (giữa) ngày càng khấm khá hơn.

Hiến đất mở đường

Theo chân ông Nguyễn Phúc Duy- Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình (Bình Tân)- bon bon trên con đường nhựa ấp Tân Qui, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Cao Hoàng Tài- một trong những hội viên, ND tiên phong hiến đất xây NTM.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang thiết kế theo hướng mở, ngồi bên hành lang đón gió lộng mát, nhìn con đường thẳng tắp trước nhà, mắt ông Tài ánh niềm vui.

Ông kể: “Trước đây, chỗ này không có đường đi đâu. Người dân trong xóm toàn cất nhà hướng ra kinh Ông Huyện và có hẳn tuyến đường đan rộng tới 1,6m.

Tuy nhiên, qua thời gian con đường này bị xuống cấp và sạt lở nghiêm trọng, mùa lũ thì ngập nước lênh láng, rất nguy hiểm cho học sinh đến trường và người dân đi làm rẫy”.

Cách nay hơn 3 năm, khi xã Tân Bình chuẩn bị về đích NTM, Nhà nước đã mở đường mới cho dân đi bằng cách làm tuyến đường này, ông Tài đã gật đầu “cái rụp” hiến hơn 1 công đất trồng quýt đường với lợi nhuận cả trăm triệu đồng/năm.

Khi được hỏi “mất đất có thấy tiếc?” thì ông Tài cười khà khà: “Có đường mới để đi tui vui không hết chứ buồn gì”.

Theo ông Tài, mất đất nhưng bù lại là có đường đi, muốn làm ăn, mua bán gì cũng dễ; thu hoạch nông sản thì có xe đến tận nơi, bán cũng có giá hơn.

Điều làm ông Tài vui nhất là nhìn quê nhà đổi thay, chợ búa khang trang, trường học được đầu tư đạt chuẩn, nên “giờ con cháu mình học hành ngon lành luôn”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang (trái) rất đồng tình hiến đất và mong con đường sớm hoàn thành để được thụ hưởng thành quả công trình mang lại.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (trái) rất đồng tình hiến đất và mong con đường sớm hoàn thành để được thụ hưởng thành quả công trình mang lại.

Dọc theo con đường Kinh Chà- Miễu Trắng (ấp Hòa Hiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) đang được đắp đất cao để chống ngập và mở rộng mặt đường, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Ngọc Quang.

Hớp ngụm trà, ông kể: “Đường này dài khoảng 2km, trước đây toàn cầu khỉ, học sinh đi té lên té xuống. Sau khi xóa cầu khỉ xong thì làm đường đất, mùa nắng còn đi được chứ mùa mưa thì sình lầy, rất khó khăn, nên khi hay tin xã mình chuẩn bị xây NTM, làm đường cho dân mình đi, bà con mừng lắm”.

“Nhà nước vận động là tui gật đầu đồng ý ngay, hiến luôn 600m2 đất đang trồng mít và dừa. Ở đây hộ nào hiến ít thì cũng 50m2, hộ hiến nhiều thì 1.200m2.

Ai cũng trông mần đường xong cho sạch sẽ, mỗi ngày nhìn tụi nhỏ bon bon đi học cũng thấy vui”- ông Quang chân tình nói.

Phát huy vai trò chủ thể

Qua phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Qua phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo bà Phan Thị Phượng- Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bình Tân, trong phong trào “ND thi đua xây dựng NTM”, hội đã tích cực vận động, tuyên truyền để hội viên, ND hiểu rõ mình là chủ thể và cũng chính là người thụ hưởng thành quả từ chương trình mang lại.

Qua đó, nhiều hội viên, ND đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh, hội còn phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đăng ký bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, xây dựng được nhiều mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn như: thu gom rác trong cộng đồng dân cư, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, hội còn phối hợp xây dựng mô hình khu dân cư sáng- xanh- sạch- đẹp, xây cổng rào an ninh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, ND về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,

xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường nông thôn...

Với phong trào tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, các cấp hội thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, ND nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới; phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác dân vận.

“Nhờ đổi mới nâng cao chất lượng tuyên truyền và xây dựng nhiều mô hình thiết thực, Hội ND đã góp phần quan trọng cùng huyện nhà xây dựng thành công 5/11 xã NTM và tạo tiền đề xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020”- bà Phan Thị Phượng cho biết.

Theo ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh, hưởng ứng phong trào ND thi đua xây dựng NTM, với sự hỗ trợ của các cấp hội, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân từng bước được cải thiện và nâng lên, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

Riêng năm 2017, thu nhập bình quân đạt 42,23 triệu đồng/người/năm, tăng 9,43 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ (năm 2012 là 31,8 triệu); tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Đến nay đã có 39/89 xã đạt chuẩn NTM, tăng 38 xã so năm 2013 và TX Bình Minh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Nhiệm kỳ 2013- 2018, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực như: hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu, đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kinh mương, đê bao chống lũ…

Theo đó, đã vận động trên 4.500 hộ hiến 685.777m2 tổng trị giá 117 tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Phan Văn Cương (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) hiến 3.200m2 làm trường học;

hộ ông Huỳnh Văn Vĩnh (xã Thới Hòa- Trà Ôn) hiến 1.900m2 làm đường giao thông nông thôn; hộ ông Nguyễn Văn Mười (xã Hậu Lộc- Tam Bình) hiến 510m2... đồng thời, đóng góp trên 98.000 ngày công lao động phục vụ các công trình phúc lợi xã hội, tham gia kiên cố hóa, sửa chữa cầu đường, cống đập nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN