Cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013- 2017: Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn thiếu bền vững

Cập nhật, 16:41, Thứ Năm, 19/07/2018 (GMT+7)

Đó là đánh giá của BCĐ thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh tại hội nghị sơ kết 5 năm ngành này, diễn ra vào sáng 19/7.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng có thành tích thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng có thành tích thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, sau 5 năm (2013- 2017) thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trên cơ sở được điều chỉnh, bổ sung năm 2017 đạt một số kết quả tích cực.

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả; chăn nuôi giữ vững tổng đàn và sản xuất hướng an toàn sinh học; nuôi thủy sản khởi sắc. Đến năm 2017, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 197,7 triệu đồng/hecta đất canh tác, đạt 98,85% kế hoạch; thu nhập người dân khu vực nông thôn đạt 33 triệu đồng/người/năm, bằng 1,53 lần năm 2013.

Đề án cũng đã xác định được nhóm nông sản chủ lực; hạ tầng thủy lợi được đầu tư, làng nghề được hỗ trợ sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp còn ít; điều hành của hợp tác xã còn hạn chế; liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân còn thiếu tính bền vững.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý BCĐ các cấp cần tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung, xúc tiến mở rộng thị trường tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Bên cạnh, tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; hỗ trợ vốn, nhân lực phát triển các hợp tác xã.

Cơ cấu ngành nông nghiệp gắn việc xây dựng nông thôn mới, đưa mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững vào sản xuất để nâng cao đời sống người dân.

Tin, ảnh: MINH- LIÊM