Sản xuất phải gắn với quy hoạch để tránh tình trạng "giải cứu"

Cập nhật, 18:03, Thứ Ba, 24/10/2017 (GMT+7)

Ngày 24/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và phương hướng năm 2018. Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận nay.

Đại biểu Trần Văn Rón, đơn vị tỉnh Vĩnh Long:

Năm qua, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã tạo niềm tin trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.

Điển hình như khu vực ĐBSCL năm 2016 bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, nhưng bước sang năm 2017 các cấp chính quyền và người dân đã ý thức và dự phòng rất tốt;

phong trào xây dựng nông thôn mới giúp cho nhiều địa phương khởi sắc; nền tảng cho sản xuất nông nghiệp ngày càng vững chắc, nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả…

Chính phủ kịp thời giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, hội nghị Trung ương 5 mới đây xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, kết quả số doanh nghiệp đăng ký tăng, số vốn cũng tăng… tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế phát triển đúng hướng và tốt hơn.

Trong thời gian tới, có một số vấn đề tôi cho rằng chúng ta cần phải giải quyết căn cơ hơn. Trước nhất là đầu tư các công trình theo phương thức BOT, đây là một nhu cầu rất lớn, tuy nhiên chúng ta phải tính làm sao cho minh bạch hơn, làm sao hài hòa được lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, nếu không khéo nghiêng phần lợi ích về một phía nào đó dễ phát sinh mẫu thuẫn như trong thời gian vừa qua.

Trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư… vì hiện nay hầu hết các công trình đều vướng giải phóng mặt bằng, nếu chúng ta cứ giải quyết bằng biện pháp hành chính thì dễ phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền.

Ngoài ra, cần đầu tư, quy hoạch các sản phẩm để tránh việc phải “giải cứu”, theo đó sản xuất phải gắn với quy hoạch để tránh tình trạng chúng ta sản xuất một sản phẩm có hiệu quả thì sản xuất đồng loạt, trong khi giá cả đầu ra chưa ổn định, làm mất cấn đối giữa cung và cầu, hệ quả người dân bị thiệt hại.

Đại biểu Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long:

Hiện nay vấn đề cử tri quan tâm và đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu là việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân được thực hiện đến đâu và các thiết chế văn hóa này đã phát huy hiệu quả chưa.

Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp (hiện rất nghèo nàn và hầu như không có gì).

Một vấn đề nữa là các cuộc vận động, phong trào về văn hóa chúng ta đưa ra quá nhiều nhưng nội dung trùng lắp và chậm đổi mới, nhiều nội dụng lạc hậu so với thực tế nên sự hưởng ứng của người dân ít dần.

Thậm chí có một số chỉ tiêu văn hóa người dân làm với hình thức để đối phó và hệ quả làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một vấn đề mà cử tri rất quan tâm là quy hoạch và thực hiện kế hoạch, dự báo. Hiện nay, quy hoạch đã có nhưng việc quản lý quy hoạch tại các địa phương rất lỏng lẽo, dẫn đến sản xuất cung vượt cầu, thừa hàng hóa và người nông dân thiệt hại rất lớn.

Đề nghị, chính phủ rà soát, chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để theo quy hoạch để làm sao hàng hóa sản xuất ra có chỗ tiêu thụ.

Cử tri cũng quan tâm đến công tác dự báo, thời gian qua công tác dự báo của chúng ta chưa chính xác với thực tế làm người dân bị thiệt hại nhiều.

Cử tri đề nghị các bộ ngành Trung ương nghiên cứu với điều kiện sản xuất của chúng ta hiện nay, nếu không xuất khẩu được thì phải tiêu thụ như thế nào để tránh bị thiệt hại.

TÂM- THI (ghi)