Sổ tay

Đất cát hữu hạn

Cập nhật, 13:30, Thứ Năm, 03/08/2017 (GMT+7)

Một người chăn nuôi trải lòng: “Tui thấy, khi “chuyện qua rồi” thì chuyện giải cứu thịt heo bị…bỏ qua luôn, không ai hỏi thăm gì nữa. Tui thấy giống như thấy đứa bé đó bị té, được “hỏi thăm” có sao không, rồi bỏ đi luôn”.

Lịch sử làng nghề gạch ngói ở Vĩnh Long cho thấy ngành nghề này hình thành từ vùng đất Mang Thít có nguồn tài nguyên đất sét, được đánh giá là dồi dào.

Rồi từ nghề gạch ngói, nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu tận dụng nguồn đất sét địa phương tạo nên sản phẩm gốm đất đỏ độc đáo. Nhờ nguồn tài nguyên đất sét có sẵn, làng nghề làm ăn sung túc, phát đạt trong thời gian dài…

Thật khó hình dung được làng nghề gạch gốm một thời vang bóng trong khung cảnh đìu hiu hiện nay. Những lò gạch không đọt khói bay lên. Những người thợ khéo tay in, su… dắt díu nhau tìm nghề khác mưu sinh ở các khu công nghiệp.

Những bờ tường trang trí tượng, bình gốm “quá khổ”- từng là niềm tự hào của các chủ nhân đại gia gốm, không còn được chăm chút mặc cỏ mọc um tùm… Nguyên nhân làng nghề thoái trào thì có nhiều, trong đó có lý do đất sét làm gạch gốm ngày càng hiếm.

Một chủ lò từng hơn 30 năm gắn bó nghề làm gạch cha truyền con nối ở Mang Thít cho biết, do nguồn đất sét hiện nay khan hiếm và đất không đẹp nên lò đốt cầm chừng.

Từ thời ông nội, cha của anh làm gạch lấy đất từ ruộng gò tại chỗ, rồi ghe đi mua đất ở Tam Bình, Bình Minh đến đi ra ngoài tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh…

Hiện nay, hầu hết các tỉnh “đóng” không cho lấy đất mặt, các lò quay về mua đất vùng Tam Bình vì còn một số khu vực đất gò, địa phương cho khai thác để cải tạo đất làm lúa.

Dù vậy, anh chủ lò gạch bảo “đất xấu” màu không đỏ tươi mà chỉ lợt lợt, nung hơn tháng mà không được loại gạch xuất sắc, người tiêu dùng chê…

Tuy đất xấu nhưng lò vẫn mua đất mê về làm gạch vì thị trường vẫn còn nhu cầu gạch nung. Nhưng mai mốt đất mê (dù xấu) cũng hết thì lò nung bằng gì? Nhiều chủ lò gạch không trả lời được.

Gạch vẫn được đa số người dân chọn làm vật liệu xây dựng cho ngôi nhà kiên cố, cũng như cát là vật liệu san lấp mặt bằng, xây tô chính ở ĐBSCL.

Vì vậy, việc khai thác cát sông cho nhu cầu xây dựng là cần thiết. Nhưng hiện nay, một số tỉnh khu vực ĐBSCL với những lo ngại về môi trường đã cấm khai thác cát sông trên địa bàn mình.

Trong khi địa phương còn cho khai thác cũng thận trọng, cho rằng đó là vì nhu cầu thực tiễn, nhưng lâu dài việc đào bới sông ngòi cần phải tính toán lại!

Thực tiễn đang đặt ra nhu cầu nguồn nguyên- vật liệu xây dựng khác thay thế cho đất- gạch và cát. Không biết nhu cầu này bao giờ mới được đáp ứng, khi mà đất, cát đã không còn là tài nguyên dồi dào?

AN HƯƠNG