Cải cách quản lý thuế để cải thiện môi trường kinh doanh

Cập nhật, 12:13, Thứ Năm, 31/08/2017 (GMT+7)

Vừa qua, Cục Thuế tỉnh triển khai một số luật thuế như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan.

Người nộp thuế được tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế.
Người nộp thuế được tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế.

Đồng thời, cung cấp thông tin về kết quả cải cách quản lý thuế giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch cải cách quản lý hệ thống thuế giai đoạn 2016- 2020.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu Việt Nam phải cải cách chính sách thuế. Theo đó, mục tiêu cụ thể của ngành thuế là đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuế giai đoạn 2016- 2020:

thời gian thực hiện TTHC thuế đến năm 2020 là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế; đến năm 2020 tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet;

80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp; tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp trên tổng số tờ khai thuế phải nộp tối thiểu là 95%; tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn đạt tối thiểu là 95%; tỷ lệ tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế là 100%.

Để đạt được chỉ tiêu này, Tổng cục Thuế đã quán triệt tới từng cán bộ, công chức ngành thuế. Đặc biệt coi trọng việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát những đối tượng chịu thuế đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận với các thủ tục về thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, cải cách TTHC thuế là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đây còn là động lực thu hút đầu tư, đảm bảo nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Xây dựng chính sách thuế đồng bộ

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có giải pháp phấn đấu tăng thu, tổ chức tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa.

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mục tiêu hướng tới trong cải cách chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 là xây dựng chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả; mức động viên hợp lý.

Cụ thể bằng những mục tiêu như: xây dựng và thực hiện chính sách thuế, phí và lệ phí hợp lý; hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi, bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần chủ động tham gia hội nhập, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế;

minh bạch, dễ thực hiện và bao quát các nguồn thu mới phát sinh, cơ cấu lại theo hướng tăng thu nội địa, phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% tổng thu NSNN;

tỷ lệ huy động thu NSNN và động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất
kinh doanh.

Cụ thể, Bộ Tài chính rất quan tâm đến xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, cùng với hệ thống pháp luật để thực hiện quản lý rủi ro một cách thực chất, hiệu quả không chỉ với công tác thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay mà bao gồm các quy trình, nghiệp vụ thuế khác có liên quan.

Ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế- cho biết, mục tiêu tổng quát của cải cách thuế đó là hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế về phương pháp quản lý, TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử. Ngành thuế phấn đấu đưa Việt Nam là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020.

Bài, ảnh: LÝ AN