Cần quy định việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Cập nhật, 16:44, Thứ Năm, 10/11/2016 (GMT+7)

Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) đóng góp:

Tôi cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo luật. Bởi lẽ, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế thì việc sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) là cần thiết, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL.

Ngoài ra, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được TGPL có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

Đóng góp thêm cho dự án luật, tôi cho rằng về quy định xã hội hóa hoạt động TGPL, dự thảo luật chưa thể hiện rõ việc thu hút xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.

Bản thân đề nghị nên xây dựng 1 điều với nội dung cụ thể việc xã hội hóa hoạt động TGPL. Ngoài ra, nên giữ nguyên chế định “cộng tác viên” như luật hiện hành nhằm đảm bảo hỗ trợ cho người được TGPL ở những nơi điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi chưa có trung tâm TGPL hoặc tổ chức tham gia TGPL. Song song đó, dự thảo luật không quy định chi nhánh của trung TGPL nhà nước.

Vì vậy, đề nghị cần phải tiếp tục duy trì chi nhánh này ở các địa phương để thuận tiện hỗ trợ kịp thời cho người được TGPL.

Tuy nhiên cần khảo sát, xem xét để thành lập chi nhánh trung tâm ở những nơi thật sự cần thiết, đảm bảo hiệu quả, tránh thành lập ở những nơi không cần thiết, hoạt động không hiệu quả gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Về các hình thức TGPL khác, trong dự thảo luật chỉ còn 3 hình thức TGPL là: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng thay vì 4 hình thức như Luật hiện hành, cụ thể hình thức thứ 4 là “Các hình thức TGPL khác”.

Tôi đề nghị tiếp tục quy định về “Các hình thức trợ giúp khác” nhằm làm tạo sự đa dạng, linh hoạt, chủ động trong hoạt động TGPL cho người được TGPL nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực, đóng vai trò quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

TÂM- HUỲNH (ghi)