Mua bán phế liệu trong nội ô- tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Cập nhật, 13:31, Thứ Tư, 25/05/2016 (GMT+7)

Hiện nay, TP Vĩnh Long vẫn còn nhiều cơ sở mua bán phế liệu trong nội ô. Hình ảnh các loại rác thải từ vỏ chai, đồ mủ bể nát đến kim loại gỉ sét… “tập kết” trong khu dân cư, không chỉ ảnh hưởng cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Một điểm thu mua phế liệu trong nội ô TP Vĩnh Long để phế liệu chiếm hết cả vỉa hè dành cho người đi bộ.
Một điểm thu mua phế liệu trong nội ô TP Vĩnh Long để phế liệu chiếm hết cả vỉa hè dành cho người đi bộ.

Mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, trên địa bàn thành phố hiện có 51 cơ sở kinh doanh phế liệu. Trong đó, các phường: 1, 2, 4 có 9 cơ sở, 27 cơ sở thuộc các phường: 3, 5, 8, 9, còn lại ở 4 xã là 15 cơ sở- hầu hết đều nằm trong khu vực đông dân cư.

Ghi nhận của người viết tại một số điểm mua bán phế liệu ở Phường 2, Phường 3, Phường 8… thì các cơ sở này có từ nhiều năm nay, phần lớn thuê mặt bằng trên các tuyến đường lớn.

Một số cơ sở có diện tích nhỏ hẹp lại chứa rất nhiều phế liệu, nên bày chúng tràn lan trên lề đường, vỉa hè và ít nhiều đã ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh.

Cô L. (Phường 2) bức xúc nói: “Vựa ve chai gần nhà tôi mua đủ các loại, từ đồ mủ bể nát, giấy vụn đến các vật dụng bằng nhôm, sắt gỉ sét… rồi để choán cả đường đi hoặc mỗi khi phân loại phế liệu, họ đổ nước thải từ chai nhựa ra đường, rất mất vệ sinh”.

Theo tìm hiểu, việc mua bán, phân loại phế liệu thường vào ban ngày. Sau khi mua phế liệu từ bạn hàng, chủ vựa ít vốn sẽ bán nhanh để xoay vòng vốn, còn người vốn nhiều thì thường trữ lại chờ giá. Vì vậy, một số cơ sở chứa rất nhiều phế liệu trong kho của mình.

Lúc mua bán, một cơ sở trên đường Mậu Thân (Phường 3), chất đủ loại phế liệu phía trước, nào là đồ mủ bể nát đến chai nhựa, bao giấy các-tông...

Bên trong là kho chứa rộng khoảng 40m2 với nhiều bao tải phế liệu to đùng được chất cao gần đến nóc. Trong đó, rất nhiều phế liệu dễ bắt lửa.

Tương tự, tầm 15 giờ, một cơ sở nằm trên một tuyến đường lớn thuộc Phường 8 nhộn nhịp cân, phân loại phế liệu trên vỉa hè với nhiều bao tải chứa vỏ chai nhựa, thau nhôm mủ bể...

Một người dân sống cạnh đây cho biết: “Chất phế liệu vầy trông rất nhếch nhác. Gần đây, xem trên báo, đài lại thấy xảy ra mấy vụ cháy nổ có liên quan đến phế liệu nên cũng lo lắm”.

Với người lao động, kinh doanh phế liệu được xem là nghề “ăn nên làm ra”, công việc này cũng mang lại lợi ích khi góp phần giải quyết lượng rác thải của thành phố. Song hiện nay, hầu hết những cơ sở phế liệu còn hoạt động trong khu dân cư, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và nhất là đời sống của người dân, để giải quyết thực trạng này, cần có kế hoạch lâu dài.

Khó di dời

Một bạn đọc ngụ Phường 9- TP Vĩnh Long chia sẻ: “Người dân có thu nhập cũng mừng nhưng “tập kết” phế liệu giữa phố như vầy thì ảnh hưởng nhiều thứ quá. Nếu di dời được các cơ sở này ra ngoại ô thì thành phố mình sẽ đẹp hơn”.

Phế liệu được chất cao gần đến nóc trong một kho chứa trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long).
Phế liệu được chất cao gần đến nóc trong một kho chứa trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long).

Liên quan đến việc di dời, UBND TP Vĩnh Long cho biết đã chỉ đạo các phường vận động chủ đất, hộ gia đình không kinh doanh phế liệu hoặc cho thuê mặt bằng để kinh doanh loại hình này, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Trước đó, UBND thành phố từng có chủ trương di dời các điểm mua bán phế liệu ra ngoại ô nhưng do gặp phải một số khó khăn- không có quỹ đất ở vùng ngoại ô để bố trí các điểm phế liệu, đồng thời chưa có chế độ chính sách hỗ trợ vốn cho các đối tượng muốn chuyển đổi nghề... nên đến nay chỉ di dời được 1 cơ sở trên đường 2 Tháng 9 (Phường 1).

“Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành hữu quan sớm xây dựng đề án để di dời hoặc chuyển đổi nghề cho các hộ kinh doanh phế liệu, đồng thời không cấp phép kinh doanh loại hình này trong nội ô.

Còn hiện tại, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ buộc ngừng hoạt động và rút giấy phép kinh doanh”- ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho biết.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ- Công an tỉnh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, các cơ sở mua bán phế liệu tuyệt đối phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cháy nổ, đồng thời không được phép mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ như bom, đạn…

“Hiện chưa có quy định cấm kinh doanh phế liệu trong nội ô thành phố nên trước mắt, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo an toàn cháy nổ cho các chủ cơ sở, để họ nhận thức và tuân thủ các quy định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra điều kiện PCCC tại các cơ sở kinh doanh phế liệu, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những sai phạm”- Trung tá Nguyễn Minh Trí- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, mỗi phường cần quản lý tốt, theo dõi sát và thường xuyên kiểm tra các cơ sở mua bán phế liệu trên địa bàn của mình, nhất là về an toàn cháy nổ. Riêng các cơ sở này phải tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, không được mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ…

Điểm a, khoản 4, Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC quy định hành vi mua bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ sẽ bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng. Bên cạnh đó là những hình phạt bổ sung khác.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG