Án để quá lâu sẽ vi phạm quyền công dân

Cập nhật, 19:16, Thứ Hai, 09/11/2015 (GMT+7)

Vấn đề tránh oan sai, nhục hình, đảm bảo quyền con người trong quá trình tạm giữ, tam giam đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận sôi nổi trong phiên thảo luận  sáng 9/11.

Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam bên ngoài hành lang quốc hội sáng 9/11.
Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam bên ngoài hành lang quốc hội sáng 9/11.

Quy định quyền người bị tạm giữ, tạm giam

Một số điểm mới trong dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam lần này được nhiều đại biểu đánh giá cần thiết và phù hợp là: đối với những án ít nghiêm trọng sẽ rút ngắn thời gian tạm giữ, tạm giam để nâng cao trách nhiệm của cơ quan điều tra; đồng thời, tăng thời gian tạm giữ, tạm giam để cơ quan điều tra nắm thêm chứng cứ cần thiết, tránh oan sai. Tuy vậy, một số đại biểu cũng cho rằng, quá trình tạm giữ, tạm giam cần đảm bảo quyền con người, bởi tác động trực tiếp đến niềm tin của người dân vào những cơ quan thực thi pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đơn vị tỉnh Tiền Giang) cho rằng: “Người chưa có tội mới chỉ là nghi can, đương nhiêu là công dân bình thường, không ai có quyền xâm phạm”. Đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị phải đảm bảo từ việc ăn, ở, mặc… đảm bảo đủ điều kiện sống cho người bị tạm giam, tạm giữ. Đồng thời, cần quy định, tạo điều kiện không gian, thời gian để các đối tượng này tập luyện thể dục để đảm bảo sức khỏe, nội quy do lãnh đạo nơi tạm giam quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đơn vị tỉnh Trà Vinh) cũng cho rằng phải đảm bảo sức khỏe cho người tạm giữ, tạm giam khi thực hiện việc giam chung. Người đồng tính, người chuyển giới, người mắc bệnh truyền nhiễm, người tâm thần… luật phải quy định giam riêng để đảm bảo không bị lây nhiễm, gây nguy hiểm cho người khác. Đặc biệt, người tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai, người cao tuổi cũng cần quan tâm vì thực tế họ không mất hết quyền công dân.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật các quyền được thông tin, quyền bầu cử, quyền về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, phục hồi danh dự, nhân phẩm…

Ở góc độ khác, cho rằng luật quy định việc thăm gặp có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thụ lý và cơ sở giam giữ sẽ khó thực hiện, đại biểu Phạm Văn Tấn (đơn vị tỉnh Nghệ An) cho rằng, “vì trong cùng một lúc có nhiều người đến gặp thì khó có cán bộ đủ”. Vì thế, đại biểu đã đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng các quyền hạn chế đối với người bị tạm giam, tạm giữ. “Nếu chỉ quy định họ có quyền khiếu nại, tố cáo thì chưa đủ, vì những cái đó thường chỉ diễn ra khi việc vi phạm đã hoàn tất. Khi họ đang bị bức cung, nhục hình thì họ có quyền gì không, cái đó cũng phải quy định rõ vào trong luật”- đại biểu Phạm Văn Tấn nói.

Tránh bức cung, nhục hình

Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về mô hình các phòng hỏi cung, việc ghi âm, ghi hình, hoạt động giám sát việc hỏi cung ở nhà tạm giữ, trại tạm giam để khắc phục tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Bởi theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đơn vị Hải Phòng), không ít vụ việc bức cung trong giai đoạn tiền khởi tố, xảy ra trong nhà tạm giữ, tạm giam do cơ quan hỗ trợ tư pháp quản lý. Nguyên nhân do công an tỉnh, huyện quản lý chung, phụ thuộc thiếu khách quan.

Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (đơn vị tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân, người bào chữa, tổ chức nhân đạo…dưới sự giám sát của cơ sở giám sát, không cần có sự chấp nhận của cơ quan thụ lý vụ án. Vì gây khó cho cơ quan thụ lý, vừa phải lo giải quyết vụ án, vừa phải cử người để giám sát việc gặp người thân của người bị tạm giữ, tạm giam. Đảm bảo độc lập giữa cơ quan tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra để không bị nhục hình.

Còn theo Đại biểu Trần Văn Tấn (đơn vị tỉnh Tiền Giang), không nên hạn chế số lần gặp giữa luật sư bào chữa với người bị tạm giữ, tạm giam vì “đôi khi họ nhớ ra chứng cứ gì đó thì cần luật sư lập tức để được tư vấn”.

Không loại trừ tình trạng “ma cũ bắt nạn ma mới”, đại biểu Điếu Krứ (đơn vị tỉnh Đắc Nông) đề nghị bố trí phòng giam giữ riêng. Gặp thân nhân phải phụ thuộc vào ý kiến của cơ quan đang thụ lý vụ án. Còn trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết, Đại biểu Lê Nam (đơn vị tỉnh Thanh Hóa) đặt vấn đề, nếu họ bị oan thì chúng ta giải quyết như thế nào? Vì thế, luật cần minh oan cho họ. Đại biểu Lê Nam cũng đề nghị cần chuyển các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cơ quan thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý. Khi để xảy ra chết người trong những nhà tạm giam, tạm giữ đòi hỏi cần đánh giá đúng thực trạng, phân tích sâu sắc nguyên nhân để tìm giải pháp, vì đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, tác động trực tiếp đến niềm tin vào công lý, pháp luật của nhân dân.

*Đại biểu  Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long)

Tôi cho rằng, dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam có nhiều tiến bộ, thể hiện được quyền con người. 

Cụ thể, những án ít nghiêm trọng thời gian điều tra rút ngắn để nâng cao trách nhiệm cơ quan thẩm quyền. Còn đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì cần nên giữ quy định tạm giữ, tạm giam hiện hành (dự thảo 3- 4 tháng), vì điều tra còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, tránh oan sai. Tuy nhiên, án để quá lâu sẽ vi phạm quyền công dân.

*Ông Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tôi quan tâm 2 nội dung: Thứ nhất đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Thứ hai, tránh bức cung nhục hình, oan sai. Thực tế giám sát của Quốc hội việc oan sai nhiều vụ án chủ yếu trong quá trình điều tra lẫn trong quá trình tạm giam. Dự thảo luật lần này cũng phải làm rõ được nội dung nguyên nhân dẫn đến, xử lý triệt không để tình trạng bức cung, nhục hình đảm bảo công khai minh bạch, có sự tham gia của luật sư, giám sát của người dân, trong đó có cả báo chí.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH