ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH VĨNH LONG LẦN THỨ II- năm 2014

Tập hợp khối đại đoàn kết, đẩy mạnh thi đua yêu nước

Cập nhật, 07:26, Thứ Tư, 05/11/2014 (GMT+7)


Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Một trong những điểm toát lên trong công tác dân tộc của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua là công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
 
Việc đoàn kết thuận hòa trong khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phát triển địa phương cũng sẽ là điểm đáng chú ý trong mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của công tác dân tộc thời gian tới.

Thoát nghèo, tạo động lực để phát triển

Trong phần giao lưu với 2 gương điển hình người dân tộc Khmer ngụ xã Loan Mỹ (Tam Bình) và xã Tân Mỹ (Trà Ôn), nhiều đại biểu dự đại hội thấy được sự nỗ lực lớn của người nông dân Khmer, từ gia cảnh nghèo vươn lên thoát nghèo và khá giả.

“Tui và chồng tui, mỗi người mỗi việc, việc công, việc nhà. Những lúc hết công việc nhà nước, về rảnh rỗi thì vợ chồng hay đi hái sen, cắt cỏ nuôi bò”- chị Thạch Thị Ly Na (SN 1979)- cán bộ phụ nữ ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ) nói.

Chị làm nhiều công tác đoàn thể ở địa bàn từ: dân số, y tế, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng trẻ em, cho đến tham gia Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học... song vẫn đảm đang công việc con cái, gia đình. Không có bí quyết nào cả, chỉ với lòng nhiệt thành công tác đoàn thể xã hội, với tình yêu thương chồng con; nên dù tham gia rất nhiều công tác xã hội, chị vẫn “giữ lửa” cho mái ấm gia đình.

Với anh nông dân SN1977 ở xã Loan Mỹ thì “mình làm nghề nông nghiệp, chăn nuôi” nên từ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước, anh mua được một con bò. Con bò mẹ ấy đẻ được bê con. Đến nay, chuồng bò nhà anh… “nở chuồng” được mấy con bò với lại gầy nuôi thêm 10 con dê nữa.

Với những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và đời sống còn khá nhiều khó khăn, theo nhiều người, rất cần phát huy suy nghĩ tích cực và lao động để cải thiện đời sống, trước tiên là cho chính gia đình mình, sau là đến bộ mặt đời sống, kinh tế- xã hội của xóm làng, địa phương mình. Bởi khi có thu nhập và thu nhập ổn định thì mới có thể đầu tư để phát triển về dân trí, nhân lực và xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo tại đại hội, công tác xóa đói giảm nghèo đã có chuyển biến rõ nét, đời sống đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,38% (năm 2009) xuống còn 23,11% (năm 2013).

Đến nay không còn hộ đói, cơ bản xóa nhà tạm bợ; hệ thống hạ tầng ngày càng đầu tư hoàn thiện; giáo dục, y tế cũng được đầu tư đẩy mạnh phát triển. Tỷ lệ học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường hơn 98% tính đến hiện nay, học sinh tốt nghiệp THPT những năm qua luôn trên 95%, riêng năm học 2013- 2014 học sinh THPT tốt nghiệp 100%.

Cả tỉnh có 11/11 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều đã có trạm y tế xã đủ tiêu chuẩn để phục vụ chăm sóc sức khỏe bà con. Nói một cách chung nhất, hầu hết chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã và đang đi sâu vào cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế- xã hội nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc những năm qua.

Xây dựng thực lực chính trị, kinh tế,...

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Việc giải quyết đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động trẻ vào các khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Mức độ quan tâm của một số ngành đối với công tác dân tộc còn hạn chế...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Văn Rón cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, nhân dân tiếp tục động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái thi đua lao động sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác dân tộc trong thời gian tới.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Rón lưu ý: “Xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, các dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

Phát huy vai trò MTTQ các cấp trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đẩy mạnh thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc.

Duy trì và phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc. Kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với đảm bảo quốc phòng- an ninh”.

 

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 20 dân tộc sinh sống. Trong đó người Kinh chiếm đa số, 19 dân tộc còn lại chiếm khoảng 2,7% dân số; trong số đó dân tộc Khmer chiếm 2,1% (hơn 22.000 người), người Hoa (4.900 người) và số rất ít thuộc các dân tộc khác.

Bài, ảnh: MINH THÁI- NGỌC TRẢNG