Trà Ôn: Cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn

Cập nhật, 13:08, Thứ Tư, 12/06/2013 (GMT+7)

Như nhiều địa phương khác, nông thôn Trà Ôn đang gặp khó trong việc cải thiện vệ sinh môi trường ở nông thôn.

Tuyên truyền thay đổi nhận thức

Trong quyết tâm cải thiện môi trường, Trà Ôn hướng đến 5 nội dung trong tiêu chí 17 của xây dựng nông thôn mới, gồm: chất thải, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh- sạch- đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp. Ảnh: Văn Khoe (Trà Ôn)

Các địa phương đều có chung nhận định là phải có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Vì thế đã ra sức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân để hiểu và cùng tham gia. Một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có chuyển biến, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thu Ba, một người dân ở xã Hựu Thành, chia sẻ: “Từ hồi xã vô vận động tuyên truyền, gia đình tôi thấy đó là lợi ích cho chính mình và xóm làng, nên cũng tích cực tham gia. Hồi chưa có mô hình hố rác gia đình, tôi gom rác lại chỗ xa xa một góc nào đó, rồi khi có nắng thì đốt, chớ không biết lấy làm thành phân đem đi trồng cây. Từ hồi có mô hình này thì thấy tiện lợi lắm, rác thải đem đổ có nơi có chỗ đậy kín, vệ sinh sạch sẽ”.

Ông Nguyễn Văn Mên, hộ dân ở xã Tích Thiện, Trà Ôn cũng đồng tình: “Hồi đó thường đổ rác ở chỗ mương cạn, mương lấp. Về sau, khi phát động vấn đề môi trường, tôi thấy nên làm cho môi trường sống quanh nhà mình xanh- sạch- đẹp hơn”.

Hiện nay, vướng mắc lớn trong việc cải tạo môi trường ở nông thôn còn vì chỗ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thải phân trực tiếp ra ao, sông vẫn còn khá nhiều. Mặc dù thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã triển khai dự án hỗ trợ nông dân ở huyện xây hầm biogas, song việc vận động người dân đầu tư làm hầm biogas còn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bé Năm, hộ chăn nuôi heo ở xã Tích Thiện bộc bạch: “Do hợp đồng chưa thống nhất về cách làm biogas như thế nào đạt chuẩn và bảo hành như thế nào? Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng hầm biogas có cái lợi kép. Mình sử dụng khí biogas tiết kiệm được khoản tiền khá lớn so với người dân sống ở nông thôn. Lại bảo vệ môi trường rất tốt, không phải chịu đựng hôi thối, ảnh hưởng đến cả bà con xung quanh. Vì thế, tôi cũng đăng ký thực hiện”.

Gắn với xây dựng nông thôn mới

Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã Tích Thiện có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên hiện nay xã đang còn gặp khó với tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chỉ đạt mức thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Khang- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tiêu chí môi trường rất khó đạt bởi vì nó có nhiều nội dung, thứ nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước, thứ hai là ý thức của người dân. Xã đang vướng phải một số khó khăn như tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo bộ tiêu chí quốc gia đến nay chưa thực hiện được. Lý do nhà máy nước của xã công suất chỉ phục vụ cho 800 hộ nhưng toàn xã có đến 2.300 hộ. Cái khó khăn nữa là xử lý rác thải trong gia đình, xử lý chất thải trong chăn nuôi”.

Thực tế, việc cải tạo môi trường không đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư lớn, mà do chính người dân là chủ thể quyết định, bởi đây cũng là yếu tố gây nên ô nhiễm môi trường nông thôn.

Do đó cần huy động nguồn lực trong dân mà trước hết là ý thức của người dân cùng chung sức chung lòng với chính quyền địa phương tạo môi trường xanh- sạch- đẹp; đồng thời tự bảo vệ sức khỏe của mọi người và chính bản thân.

Đánh giá về những kết quả cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn thời gian qua, ông Huỳnh Thanh Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Hựu Thành cho rằng: “BCĐ đánh giá tiêu chí 17 rất khó thực hiện.

Vì vậy BCĐ đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường và đặc biệt sẽ triển khai đến tất cả hộ dân thuộc các ấp là thực hiện hố rác gia đình. Đến thời điểm này, xã thực hiện được ở 2 ấp, trong tháng 6 này sẽ triển khai thực hiện ở 6 ấp còn lại”.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, để người dân nhận thức được lợi ích của chính mình; vừa cải tạo tốt môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, vừa đem lại lợi ích kinh tế qua việc tiết kiệm được khoản tiền chất đốt hàng ngày.

Khi người dân thay đổi được thói quen không tốt, thay đổi tập quán sống, chính là góp phần nhanh chóng thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Việc cải thiện vệ sinh môi trường ở nông thôn Trà Ôn khó khăn là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn chưa cao, thói quen xử lý rác thải sinh hoạt, mai táng người chết theo dòng họ, không tập trung chưa thay đổi.


KIM BẰNG- QUANG THUẦN