Cơn sốt "tiểu thuyết chữa lành" ở châu Á

Cập nhật, 19:11, Thứ Sáu, 10/02/2023 (GMT+7)
Một số tiểu thuyết chữa lành nhanh chóng được mua bản quyền và chuyển ngữ tại Việt Nam.
Một số tiểu thuyết chữa lành nhanh chóng được mua bản quyền và chuyển ngữ tại Việt Nam.

(VLO) Thị trường châu Á ngày càng có nhiều tiểu thuyết kể về cùng một địa điểm bình thường, chẳng hạn như cửa hàng tiện lợi, hiệu sách, thư viện và cửa hàng bách hóa…

Điều bất ngờ là chúng được rất nhiều độc giả quan tâm yêu thích, và rồi trở thành sách bán chạy nhất. Nhìn sâu hơn vào xu hướng hiện tại, đó là cơn sốt của “tiểu thuyết chữa lành”.

Bối cảnh bình dị

“Tiểu thuyết chữa lành” có thể định nghĩa như những cuốn sách khiến ta thoải mái khi đọc mà không phải tốn quá nhiều năng lượng. Chúng cũng ủi an và tiếp thêm nhiều động lực cho người đọc.

Không có bất kỳ cốt truyện khó hiểu hay phức tạp nào, những “tiểu thuyết chữa lành” nói về sự đồng cảm, an ủi, kích thích lòng can đảm cũng như gợi nhắc thêm đoàn kết.

Các nhân vật ấy sẽ thường gặp nhau ở những nơi như cửa hàng tiện lợi hoặc hiệu sách và kể câu chuyện của mình. Khi mọi người đọc câu chuyện cá nhân của các nhân vật và trở nên quen thuộc với xuất thân của họ, họ sẽ được ủi an một chút và thấy đồng cảm.

Một số người cho rằng xu hướng này bắt đầu với “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” của nhà văn Nhật Keigo Higashino, và sau đó là “Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargu” của Lee Mi-ye hay “Thư viện nửa đêm” của nhà văn Mỹ Matt Haig.

Năm nay, “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” của nhà văn Hàn Quốc Kim Ho-yeon trở thành tựa sách có những thành tích kỷ lục.

Nó kể câu chuyện về một người đàn ông vô gia cư, có cơ hội làm việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi do một bà lão làm chủ - người mà anh ta đã trả lại chiếc ví vô tình nhặt được và bảo vệ bà khỏi đám côn đồ.

Người đàn ông bị mất trí nhớ do rượu, và khi bắt đầu khôi phục khi anh có dịp tương tác với những khách hàng có hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau.

Những vị khách này ban đầu cảnh giác cũng như hoài nghi người đàn ông ấy, nhưng qua quá trình tìm hiểu, cả hai đều tìm thấy sự an ủi và có thêm nhiều những sự can đảm.

Mặc dù không có câu chuyện giật gân hoặc yếu tố căng thẳng, nhưng nó đã được rất nhiều hiệu sách bình chọn là “Cuốn sách của năm”.

Bên cạnh “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”, thì một cuốn khác cũng đang trở nên ăn khách là “Welcome to Bookstore Hyunamdong” (tạm dịch: “Chào mừng đến với Hiệu sách Hyunamdong”) của nhà văn Hwang Bo-reum. Và có 5 tiểu thuyết lọt vào top 10, thì 4 quyển đều là “tiểu thuyết chữa lành”.

Xu hướng thay đổi

Có một hiện tượng cũng thú vị khác là giờ đây tiểu thuyết Nhật Bản cũng đang tham gia vào trào lưu “tiểu thuyết chữa lành” này.

Tác phẩm “Going to Gobayashi Bookstore Again Today” (tạm dịch: “Đến hiệu sách Gobayashi lần nữa hôm nay”) đã trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất, gần giống với cuốn “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”.

Ngoài ra, “We Sell Special Lunch Boxes” (tạm dịch: “Chúng tôi bán hộp cơm trưa đặc biệt”) và “Special Sauna” (tạm dịch: “Tiệm xông hơi kỳ lạ”) cũng được yêu thích gần đây.

Sau thành công của cuốn “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” và tiếp theo là “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”, các nhà xuất bản châu Á đang “lục lọi” để tìm kiếm những tiểu thuyết tương tự.

Mỗi khi nhân loại trải qua thời kỳ khó khăn, thì những “viên thuốc tinh thần” luôn luôn cần thiết sẽ lại xuất hiện. Có lẽ “tiểu thuyết chữa lành” là một trong số đó.

Trong một đời sống xoay quanh bởi mạng xã hội và vô số nội dung video, con người ngày càng bận rộn, mệt mỏi.

Và “tiểu thuyết chữa lành” là đủ đối với họ, với việc khao khát những câu chuyện chậm rãi và những cảm xúc êm đềm nói với họ rằng họ đang làm tốt, và mọi người cũng thế.

Nhìn vào “độ cuồng” và sự phổ biến ở trên thị trường, thì cơn sốt “tiểu thuyết chữa lành” có thể vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Do đó dù cho giới văn học hiện tại có thể không dễ chấp nhận và coi trọng chúng, thì ngành xuất bản cũng sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ trước xu hướng này.

PN (lược trích theo VNQĐO)

Các tin khác: