Việt Nam xếp thứ 96 trong các quốc gia hạnh phúc

Cập nhật, 15:16, Thứ Sáu, 18/03/2016 (GMT+7)

Trong danh sách những quốc gia hạnh phúc do tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) cùng Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia, Mỹ, công bố, Việt Nam đứng thứ 96.

Việt Nam đứng thứ 96 trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Việt Nam đứng thứ 96 trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Đây là lần thứ 4 SDSN tiến hành nghiên cứu và đánh giá chỉ số hạnh phúc đối với 157 quốc gia.

Danh sách này được thực hiện dựa trên 8 yếu tố là GDP đầu người, khả năng giúp đỡ từ xã hội, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, mức tự do lựa chọn các yếu tố trong cuộc sống, tỉ lệ đóng góp từ thiện so với GDP đầu người, mức độ tham nhũng, chỉ số tâm lý tích cực và chỉ số tâm lý tiêu cực.

Báo cáo được công bố hôm 16/3 cho biết, năm nay, Đan Mạch đã vươn lên 2 bậc và “soán ngôi” quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Thụy Sĩ.

Trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất, các nước ở bán đảo Scandinavi chiếm ưu thế. Đứng sau Đan Mạch là Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hà Lan, New Zealand, Australia và Thụy Điển.

Trong khi đó, Syria, Afghanistan và 8 quốc gia thuộc khu vực cận sa mạc Sahara, gồm Madagascar, Tanzania, Liberia, Guinea, Rwanda, Benin,Togo và Burundi là 10 nước ở cuối bảng xếp hạng.

Tại khu vực châu Á, Singapore đứng thứ 22, Thái Lan thứ 33, Malaysia thứ 47, Nhật Bản thứ 53 và Trung Quốc thứ 83.

Cũng theo báo cáo, chỉ số hạnh phúc của nền kinh tế số một thế giới Mỹ xếp thứ 13, Liên hiệp Vương quốc Anh ở vị trí thứ 23, Pháp ở vị trí 32, trong khi Italy ở vị trí khiêm tốn 50.

Nhận xét về thứ hạng của Mỹ, Giáo sư Jeffrey Sachs, người đứng đầu SDSN và là cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cho rằng, danh sách này là một thông điệp cảnh tỉnh với nước Mỹ. Trong vòng 50 năm qua, nước Mỹ vốn giàu lại ngày càng giàu thêm rất nhiều nhưng không hạnh phúc hơn.

Qua báo cáo lần này, SDSN cũng hối thúc các quốc gia cùng với việc theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế cần phải tích cực giải quyết vấn đề bất bình đẳng và tăng cường bảo vệ môi trường.

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Viet-Nam-xep-thu-96-trong-cac-quoc-gia-hanh-phuc/250056.vgp