Đưa nhau ra tòa vì... "làm giấy tay" khi chuyển nhượng đất

Cập nhật, 07:12, Thứ Tư, 24/04/2024 (GMT+7)

Nhận chuyển nhượng đất nhưng không làm thủ tục sang tên, đến khi phát hiện phần đất đang sử dụng người khác đứng tên thì phát sinh tranh chấp phải đưa nhau ra tòa giải quyết.

Năm 2002, ông L.V.T. (ở TX Bình Minh) nhận chuyển nhượng thửa đất với giá 1,5 chỉ vàng 24K nhưng chỉ làm giấy tay, không đăng ký sang tên. Đến năm 2020, ông T. thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì phát hiện phần đất này nằm trong thửa 90 do anh V.H.D. (ở cùng địa phương) đứng tên. Do đó, ông T. khởi kiện yêu cầu anh D. trả lại phần đất 70,7m2 và hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho anh D..

Bị đơn V.H.D. trình bày: Thửa đất 90 diện tích 1.056,4m2 là tài sản ông nội anh để lại và anh chỉ nhận trên giấy tờ, không có đến gặp các chủ đất tứ cận để xem lại trụ mốc ranh. Đến đầu năm 2021, anh về cải tạo lại vườn có gặp ông T. thương lượng phần đất cong qua ranh đất ông T. và được ông T. cho móc đất để bo lại bờ vùng. Tuy nhiên, sau đó ông T. yêu cầu cán bộ địa chính đến đo đạc lại và khởi kiện nên anh không đồng ý và có đơn phản tố yêu cầu tòa công nhận cho anh được sử dụng 70,7m2 đất tranh chấp và chỉ đồng ý trả ông T. phần đất bo bờ vùng 11,8m2.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TX Bình Minh quyết định cho ông T. đứng tên phần đất 11,8m2 anh D. lấn chiếm khi bo bờ vùng, không chấp nhận yêu cầu đòi anh D. trả lại 70,7m2 của ông T.. Ông T. không đồng ý gửi đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm công nhận cho ông được đứng tên phần đất 70,7m2 vì đất này ông đã sử dụng, tôn tạo làm bờ đi ra đường công cộng, trồng cây giữ đất trên 22 năm không có ai tranh chấp.

Từ những chứng cứ thu thập được, HĐXX cho rằng, yêu cầu kháng cáo của ông T. có cơ sở chấp nhận một phần.

Cụ thể, từ kết quả đo đạc hiện trạng khu đất của cơ quan chuyên môn thì phần đất tranh chấp 70,7m2 thuộc thửa 90 do anh D. đăng ký QSDĐ theo Dự án Vlap. Tuy nhiên, qua lời trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng tại văn bản xác nhận ngày 21/3/2024 thì phần đất 70,7m2 do chủ đất trước quản lý, sử dụng lâu đời rồi chuyển nhượng lại cho ông T. tiếp tục sử dụng từ năm 2002.

Sau đó, ông T. tôn tạo thành bờ, trồng cây giữ đất và sử dụng làm lối đi ổn định, lâu dài không có tranh chấp nên đủ điều kiện công nhận QSDĐ này cùng với cây trồng trên đất cho ông T. là phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Ngược lại, phía anh D. trước nay không có sử dụng 70,7m2 đất tranh chấp nên không đủ điều kiện công nhận QSDĐ theo quy định nhưng vì nguyên đơn có nguyện vọng sẽ bồi hoàn giá trị đất cho anh D. theo định giá nên được ghi nhận.

Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm tuyên ông T. được quyền sử dụng phần đất diện tích 70,7m2 thuộc thửa 90 cùng toàn bộ cây trồng trên đất. Ông T. có nghĩa vụ đăng ký biến động đất đai để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định; buộc ông T. bồi hoàn giá trị 70,7m2 đất cho anh D. tương đương hơn 19 triệu đồng và phải tiếp tục chịu tiền lãi cho đến khi thi hành xong khoản tiền này.

DIỄM PHƯỢNG

 

 

Các tin khác: