Tranh chấp, thưa kiện vì hụi

Cập nhật, 06:54, Thứ Năm, 23/06/2022 (GMT+7)

Hụi là hình thức giao dịch về tài sản trong nội bộ nhân dân với mục đích tương trợ nhau nhưng phải theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, việc chơi hụi cũng gặp nhiều rủi ro, bởi tranh chấp, thưa kiện, mất mát tài sản có thể xảy ra nếu đôi bên “bẻ kèo”.

Từ tranh chấp dân sự

Nghị định 19 của Chính phủ về hụi quy định rõ: Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, do tin tưởng hoặc thiếu am hiểu về pháp luật nên không ít trường hợp hụi viên và chủ hụi xảy ra tranh chấp, thưa kiện. Bà N.T.T. (Vũng Liêm) tham gia dây hụi của bà M. từ năm 2016 và đến lần khui hụi thứ 26 thì xin hốt, trừ “hoa hồng” cho đầu thảo hết 800.000đ, bà T. “thực lãnh” 51,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ hụi chỉ giao 34 triệu đồng rồi… lặn mất tăm, bà T. đòi hoài không được nên làm đơn khởi kiện ra tòa.

Tại tòa, bà M. thừa nhận dây hụi trên là có thật nhưng không đồng ý với nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Đối với tờ giấy hụi bên ngoài có ghi dòng chữ “26 phần hụi chết = 52.000.000… còn lại 29.200.000”, bà M. thừa nhận đây là “bút tích” của mình nhưng cho rằng đã giao đủ tiền. Quá trình xét xử, tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng, quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ nhưng bà M. không thực hiện, cho thấy đương sự này đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh, căn cứ vào những nội dung mà bà M. thừa nhận cùng danh sách hụi mà bà T. cung cấp, HĐXX nhận thấy hợp đồng góp hụi giữa 2 đương sự trên là có thật nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., buộc bà M. phải có trách nhiệm trả cho nguyên đơn 17,2 triệu đồng.

Trong nhiều vụ việc, phần lỗi không chỉ xuất phát từ chủ hụi mà do một số hụi viên không thực hiện đúng cam kết đóng “hụi chết”, buộc chủ hụi phải nhờ đến pháp luật giải quyết, như trường hợp của bà V.T.V. (Vũng Liêm). Trong đơn khởi kiện, bà V. trình bày, vợ chồng ông N.T.P. và bà T.T.B.T. có tham gia của bà 5 dây hụi tháng trị giá từ 1- 5 triệu đồng. Các dây hụi này, vợ chồng ông P. đã hốt và đóng “hụi chết” được một thời gian thì ngưng, buộc bà V. phải trả thay 280 triệu đồng.

Quá trình thụ lý vụ việc, TAND huyện Vũng Liêm 2 lần gửi giấy triệu tập nhưng vợ chồng ông P. vắng mặt không lý do. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của người làm chứng và biên nhận nợ giữa bà V. với vợ chồng ông P., có thể xác định khoản nợ giữa đôi bên là có thật. Do đó, HĐXX chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông P. có nghĩa vụ trả cho bà V. 280 triệu đồng.

… đến lừa đảo

Hụi thường mang tính tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự nên cơ quan chức năng và chính quyền khó quản lý. Trong khi đó, nhiều hụi viên tin tưởng “đầu thảo” và không nắm rõ quy định của pháp luật nên khi bể hụi mới trình báo cơ quan chức năng thì đã quá muộn, tài sản thất thoát cũng khó thu hồi. Thực tế, qua các vụ việc liên quan đến hụi thời gian qua có thể thấy, nhiều chủ hụi làm việc rất nghiêm túc, minh bạch nhưng cũng không ít người lợi dụng sự tin tưởng, mất cảnh giác của hụi viên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà TAND tỉnh Vĩnh Long vừa đưa ra xét xử đối với bị cáo Đặng Hồng Chinh (SN 1970, ngụ xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm). Bị cáo này ban đầu luôn thể hiện là “đầu thảo” có trách nhiệm nhưng khi cần tiền tiêu xài và trả nợ thì giở trò gian dối bằng cách tự ý lấy tên của 66 hụi viên để kêu hốt hụi, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo khai nhận do mỗi kỳ khui hụi có hụi viên không đến dự mà nhờ bỏ thăm giùm nên tự ý lấy tên những người này để kêu hốt hụi và chiếm đoạt tiền. Hành vi lừa đảo này diễn ra trong thời gian dài và hầu hết bị hại “sụp bẫy” lừa đảo của Chinh đều là người quen, hàng xóm. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chinh 10 năm tù.

Có thể thấy, người dân nên cảnh giác tối đa với các trường hợp mời gọi chơi hụi mà không có thông tin đầy đủ, chỉ tham gia trong các trường hợp hiểu rõ về các thành viên hoặc việc chơi hụi với quy mô không quá lớn, phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, dù tham gia hụi do tin tưởng thì cũng nên làm các giấy tờ, chứng cứ để nếu có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn. Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải, có thể lập thành văn bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ,… Nếu không hòa giải, thương lượng được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

TRUNG HƯNG