Vụ án tham ô ở Trường THPT Võ Văn Kiệt: 4 bị cáo lãnh 62 năm tù

Cập nhật, 16:53, Thứ Hai, 23/07/2018 (GMT+7)

Chiều 23/7/2018, sau 3 ngày xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên án sơ thẩm phạt bị cáo Lê Hữu Rí, Nguyễn Văn Sang mỗi bị cáo 20 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Đào 15 tù và Lê Thị Đỗ Quyên 7 năm tù, cùng phạm tội “Tham ô tài sản”.

HĐXX nhận định, tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm. Trong đó, bị cáo Rí giữ vai trò chính trong vụ án và là hiệu trưởng của trường nên có trách nhiệm cao nhất.

Bị cáo Rí, Sang và Đào phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trực tiếp xâm phạm đến trật tự pháp luật của Nhà nước; quyền sở hữu tài chính Nhà nước… làm giảm lòng tin của nhân dân, gây dư luận không tốt cho xã hội.

Tòa tuyên án sơ thẩm
Tòa tuyên án sơ thẩm

Lập hàng loạt quyết toán khống

Tháng 01/2012, theo sự chỉ đạo của hiệu trưởng Rí, Sang đến Đội thuế liên xã số 2- Chi cục Thuế Vũng Liêm gặp Nguyễn Văn Khởi (đã chết)- là Đội trưởng đội thuế để làm thủ tục mua hóa đơn bán hàng hóa ghi khống nội dung: Đơn vị bán hàng là Nguyễn Văn Huyền, địa chỉ ấp Trung Xuân, xã Trung Thành- Vũng Liêm xuất bán hàng hóa dịch vụ gồm: 400 khối đất trồng cây, đơn giá 150.000/khối, thành tiền 60 triệu đồng; 150 cây trồng, đơn giá 500 ngàn đồng/cây. Tổng giá trị hóa đơn là 135 triệu đồng.

Sau đó, Sang lập phiếu chi và giấy rút dự toán ngân sách (thực chi tiền mặt) rồi trình Rí ký diệt các hóa đơn, chứng từ rồi đưa cho Đào thanh toán tiền ngân sách từ tài khoản của Trường THPT Võ Văn Kiệt mở tại Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm. Số tiền chiếm đoạt này Đào đem về giao lại cho Sang để chia nhau xài.

Sang khai, số tiền 135 triệu đồng chia cho Rí 100 triệu, Sang 20 triệu và Khởi 15 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo Rí không thừa nhận số tiền 100 triệu đồng Sang đưa.

Đến tháng 2/2013, Rí tiếp tục chỉ đạo cho Sang và Đào lập khống hợp đồng mua đất trồng cây 400 xe, đơn giá 400 ngàn đồng/xe, thành tiền 160 triệu đồng để Rí ký hợp đồng mua bán với ông Nguyễn Thành Nhân (ấp Quang Minh, xã Quới An- Vũng Liêm). Song, thực chất ông Nhân không có hợp đồng giao dịch với bị cáo Rí.

Hợp đồng khống này mục đích Sang và Đào dùng để mua hóa đơn từ Khởi. Cũng thủ đoạn trên, hóa đơn khống này Sang trình cho Rí ký duyệt và ký giấy rút tiền ngân sách. Sau đó, Đào đến Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm rút tiền mặt và số tiền này Rí có “công” chỉ đạo làm hợp đồng khống nên hưởng trọn 160 triệu đồng.

Tháng 4/2012, Rí chỉ đạo cho bộ phận kế toán của trường liên hệ với cơ sở vật tư để mua vật tư xây dựng bồn hoa, hầm cát chữa cháy... Được lãnh đạo “bật đèn xanh” Sang và Đào liên hệ với một doanh nghiệp ở xã Trung Thành (Vũng Liêm) để mua vật tư, số tiền là 9,4 triệu đồng.

Sau đó, Rí tiếp tục chỉ đạo cho Sang lập chứng từ khống để quyết toán “kiếm tiền” tiêu xài. Nghe theo lời “sếp” Sang “lệnh” cho Đào và Quyên đến Đội thuế liên xã để gặp Khởi mua hóa đơn bán hàng, kê ra hàng loạt vật tư trị giá 38 triệu đồng. Sau đó, Sang lập phiếu chi, cùng bảng kê thanh toán khống để rút ngân sách Nhà nước cấp cho Trường THPT Võ Văn Kiệt.

Ngoài ra, Rí, Sang, Đào và Quyên còn lập nhiều chứng từ khống quyết toán khác như: chi sửa chữa điện nước, chi phí nghiệp vụ chuyên môn, nước uống học sinh, công tác phí, thanh toán không chứng từ, hóa đơn thanh toán nhiều lần…

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Rí cho rằng muốn trường đạt chuẩn nên có đầu tư trồng cây xanh và có chỉ đạo cho bị cáo Sang mua đất, phần còn lại các chứng từ quyết toán khác do Sang tự lập. Thẩm phán cho rằng bị cáo Rí chưa thành thật khai báo bởi vai trò người đứng đầu cơ quan, các chứng từ quyết toán đều có chữ ký của bị cáo Rí thì nói không biết là chưa hợp lý.

“Ăn” cả tiền thưởng của giáo viên

Từ năm 2012- 2015, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán hàng năm, Sang lập khống danh sách giáo viên của trường nhận trang phục, tiền tăng thu nhập trình cho Rí.

Rí ủy quyền cho Hiệu phó trường là Lâm Bá Nhuận (đã chết) ký duyệt các chứng từ khống của Sang trình. Sau đó Sang lập hồ sơ quyết toán đưa cho Đào rút tiền và giao tiền lại cho Sang. Trong thời gian này Sang chiếm đoạt một số tiền lớn.

Cụ thể năm 2014, Sang lập danh sách 126 giáo viên và mỗi giáo viên nhận 1,5 triệu đồng, tổng thành tiền quyết toán 189 triệu đồng. Tuy nhiên khi giáo viên nhận tiền thì bị trừ các khoản “ma” chỉ còn một nửa tiền thưởng.

Số tiền còn lại “chảy” vào túi Sang. Sang thừa nhận, năm 2014, số tiền tăng thu nhập của giáo viên Sang đều chiếm đoạt tiêu xài hết. Do để trường đạt chuẩn quốc gia phải có chi tăng thu nhập cho giáo viên, nên Sang lập chứng từ khống.

Năm 2015, Sang lập danh sách rút tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm số tiền 290 triệu đồng để thưởng trang phục cho 125 giáo viên (mỗi giáo viên 2.320.000đ). Tuy nhiên số tiền này, Sang cũng chiếm đoạt tiêu xài.

Theo kết luận điều tra, từ 2012- 2015 Sang lập chứng từ khống danh sách giáo viên nhận trang phục (tăng thu nhập), tổng số 794 triệu đồng (số tròn). Số tiền này Sang mua quà tặng người quen, đưa cho Rí 380 triệu đồng, Đào nhận 45 triệu đồng, Quyên 40 triệu. Tuy nhiên, Rí, Đào, Quyên không thừa nhận.

Ngoài ra Sang còn lập khống bảng kê thanh toán khen thưởng, khám sức khỏe định kỳ của giáo viên gần 80 triệu đồng và quyết toán khống tiền thai sản của giáo viên của trường trên 2,4 tỷ đồng.

 Các bị cáo lãnh tổng số 62 năm tù
Các bị cáo lãnh tổng số 62 năm tù

 

Từ năm 2010- 2015, các bị cáo Lê Hữu Rí, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Thị Đào và Lê Thị Đỗ Quyên tham ô tiền ngân sách tại Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm với tổng số tiền trên 4,670 tỷ đồng (số tròn) để chia nhau tiêu xài. Trong đó, bị cáo Rí tham ô 466 triệu, Sang 4 tỷ đồng (số tròn), Đào 50 triệu đồng và Quyên 10 triệu đồng.

Bị cáo Sang khai nhận số tiền tham ô ngoài chia cho Rí, Đào và Quyên có mua quà là nữ trang bạch kim tặng cho vợ và dâu của bị cáo Rí là bà Nguyễn Thị Biên và Nguyễn Thị Kim Cương, trị giá 66 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo Sang tặng nữ trang kim cương trị giá 77 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt- Kế toán Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm. Số tiền còn lại Sang tiêu xài và cho bạn bè mượn.


Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG