Đi giữa đồng bằng xanh

Cập nhật, 06:15, Thứ Bảy, 02/12/2023 (GMT+7)

 

"Đường hàng dương", qua TT Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Nếu xuất phát từ TX Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đi TX Kiến Tường (tỉnh Long An), thì chúng ta sẽ theo ĐT842 đến TT Tân Hưng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) có thể rẽ về tuyến đường nội đồng đi ĐT819 ra QL60 hoặc đi theo ĐT831.

 
Ở giữa Đồng Tháp Mười hôm nay, cùng một điểm đến sẽ có nhiều lựa chọn đường chính hay đường tắt và với hệ thống giao thông xắn ngang xẻ dọc đó cộng với sự nhiệt tình chỉ đường của người dân địa phương, chúng tôi dễ dàng “phượt” qua đồng bằng xanh ngát mà “hổng sợ bị lạc đường”. 
 
Trên những tuyến đường xanh ngát 
 
Tới TT Tân Hưng, được người dân chỉ đường, chúng tôi rẽ vào tuyến đường nhựa xuyên cánh đồng, qua những cây cầu tên nghe lạ lạ như: cầu Ngọn Lúa Ma, cầu Cả Sách… Rồi nhập vào ĐT819 chạy dọc tuyến Kênh 79 với những vuông nuôi tôm, ngỡ như “đi lạc” xuống tận miền duyên hải Bạc Liêu, Trà Vinh xa xôi. 
 
Vùng nuôi tôm xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) như “da beo” xen giữa ruộng lúa bát ngát đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực này. Trong khi, không chỉ chính quyền địa phương lo ngại, mà các nhà khoa học cũng khuyến cáo “việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp”.
 
Nhưng “thành phố công nghiệp tôm” vẫn tăng diện tích, có thể nhìn thấy từ ĐT819 chạy ra tới QL60. Bởi vùng Đồng Tháp Mười là vùng sinh thái nước ngọt chỉ trồng lúa và một số hoa màu.
 
Dưới tầng sâu của khu vực này không phải là nước mặn mà là nước bị nhiễm mặn (nước lợ), khi người dân khoan giếng lấy nước lên không đủ mặn sẽ pha thêm muối. Về lâu dài, tài nguyên đất đai và nước của khu vực chắc chắn sẽ bị suy thoái nghiêm trọng, phá vỡ hệ sinh thái. 
 
Cùng với đường giao thông ngày một thuận tiện gắn với hệ thống đê bao khép kín gần như hoàn toàn, Đồng Tháp Mười từ lâu đã mở rộng diện tích lúa 3 vụ/năm, còn chuyển đổi cây trồng từ ruộng lúa lên vườn cây ăn trái.
 
Màu xanh ruộng lúa “chấm phá” thêm những vườn mít Thái, bưởi, xoài… trĩu trái không thua kém miệt vườn sông nước. Vì thế, những vùng đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười ngày càng bị thu hẹp, nên các khu du lịch như Làng nổi Tân Lập luôn tấp nập du khách đến để chèo thuyền xuyên qua những cánh rừng tràm, lướt trên những lá sen… tìm kiếm trải nghiệm hòa vào thiên nhiên yên bình.
 
Từ Làng nổi Tân Lập theo QL60 vào TX Kiến Tường chỉ vài cây số, thị xã biên giới nằm bên sông Vàm Cỏ Tây xanh mát và rất êm đềm. Buổi chiều thư thả, du khách có thể ngồi ở công viên 30 Tháng 4 ngắm nhìn từng đàn chim cò lượn bay về tổ trong ánh hoàng hôn xuống dần. 
 
Một cây cầu ở Tân Lập (Mộc Hóa) có tên khá lạ.
Một cây cầu ở Tân Lập (Mộc Hóa) có tên khá lạ.
Hôm sau từ Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, chúng tôi theo ĐT831 đi Vĩnh Hưng, thỉnh thoảng bắt gặp những tàn cây như đan níu vào nhau thành cổng vòm xanh mướt. Ghé lại bên đường, chú Sáu Cành ở ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng) cặp nách chiếc radio nghe vọng cổ vừa trông coi đàn bò ăn cỏ, trò chuyện với chúng tôi về chuyện làm lúa, than “năm nay chưa thấy nước về đồng.
 
Giá lúa cao nông dân có lời nhiều hơn, nhưng tiền phân, thuốc cũng lên theo”. Những nông dân như chú Sáu Cành quan tâm lung lắm chuyện nước nôi, bởi đồng thiếu nước, cá mắm cũng ít theo, nhiều “bạn già” của chú từng nhờ nghề “ăn cá” kiếm thêm thu nhập, mùa nước không nổi phải cầm vé số đi bán hàng ngày… Nghe mà buồn đau đáu. 
 
Theo ĐT831 qua TT Vĩnh Hưng với tuyến đường nội thị rộng lớn, vào tuyến đường có hàng dương chạy dài chúng tôi tiếp tục ngược về TT Tân Hưng. Những cây cầu sắt nhỏ hẹp vẫn oằn lưng phục vụ lưu thông, nhưng đang dần được thay thế bởi cầu nhựa bê tông theo dự án nâng cấp, mở rộng đường. 
 
Đường đi ngang dọc Đồng Tháp Mười 
 
Hiện ĐT819 qua huyện Tân Hưng với mức đầu tư gần 220 tỷ đồng đang được thi công và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025. Theo anh Lưu Bảo Quốc, hiện từ Tân Hưng có nhiều tuyến đường kết nối với hệ thống đường tỉnh, quốc lộ, qua đó góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại.
 
Anh Quốc làm công nhân cầu đường, mỗi ngày anh vẫn đi về giữa Tân Hưng và huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) chưa đầy 40km. Nhờ vậy, “làm cầu đường, chiều về ăn cơm nhà vợ nấu khỏe re”- anh Quốc nói vui.
 
Từ những tuyến đường ngang dọc ngày nay, chúng ta dễ dàng khám phá mọi nơi ở Đồng Tháp Mười. Tỉnh Đồng Tháp cũng vừa khởi công dự án xây dựng tuyến ĐT857 (44,8km) đi qua 3 huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười.
 
Đây là tuyến trong dự án hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, cùng với ĐT850, ĐT844 được thi công xây dựng từ năm 2017. Với mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống giao thông, tạo điều kiện phát triển các khu du lịch như: Khu sinh thái, Khu di tích Xẻo Quýt; Khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim, khu ramsar thứ 2.000 của thế giới; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Đồng thời, phục vụ đề án cơ cấu lại nông nghiệp và thúc đẩy kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh… 
 
Giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu thực hiện 23 dự án công trình giao thông trọng điểm.
 
Trong đó, nhiều dự án có quy mô, kết nối liên vùng đang được Trung ương và Đồng Tháp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: cao tốc Cao Lãnh- An Hữu (giai đoạn 1), cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh (giai đoạn 1), nâng cấp tuyến Cao Lãnh- Lộ Tẻ, tuyến tránh QL30- TP Cao Lãnh. Nhiều công trình đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đường tỉnh, đường huyện hoàn thành và đưa vào khai thác góp phần gia tăng kết nối nội tỉnh. 
 
Một tuyến đường tỉnh xanh ngát giữa Đồng Tháp Mười.
Một tuyến đường tỉnh xanh ngát giữa Đồng Tháp Mười.
Trong khi đó, tỉnh Long An cũng định hướng tập trung mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông là đi trước một bước trong phát triển kinh tế.
 
Theo đó, 8 công trình nằm trong chương trình đột phá về giao thông gồm: đường Lương Hòa- Bình Chánh; đường Hựu Thạnh- Tân Bửu; ĐT826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; đường Tân Tập- Long Hậu; nâng cấp, mở rộng ĐT824; nút giao đường Hùng Vương- QL62.
 
Xác định rõ “hạ tầng giao thông- động lực cho phát triển”, thời gian qua, Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo ra một hệ thống giao thông trong tỉnh được thông suốt, huyết mạch, hoàn chỉnh kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược. 
 
Tuyến nội đồng Thường Phước 2, Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Tuyến nội đồng Thường Phước 2, Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Có thể nói, đường đi- hệ thống giao thông đã và đang vác trên mình những sứ mệnh đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của từng địa phương.
 
Tỉnh Long An đánh giá cho thấy: Lợi ích từ các dự án đã khai thông được các điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư so các địa phương khác trong cả nước, phục vụ phát triển công nghiệp, tạo ra bước đột phá lớn về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
 
Thực tế, từ ĐT819 (Tân Hưng, Long An) chúng tôi đã xuyên đồng qua Trường Xuân đến Tháp Mười (Đồng Tháp) về Vĩnh Long cảm giác rất nhanh. Có lẽ còn vì đi giữa đồng bằng xanh ngát từ ruộng lúa nối tiếp vườn cây ăn trái, dọc những tuyến đường hoa NTM bao quanh mái nhà khang trang, kiến trúc thật đẹp… mà đường xa đã nối lại thêm gần! 
 
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC 
 

 

Các tin khác: