Đảm bảo cân đối cung cầu thịt, trứng gia cầm cuối năm

Cập nhật, 13:20, Thứ Ba, 13/12/2022 (GMT+7)
Phần lớn gia cầm sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.
Phần lớn gia cầm sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.

(VLO) Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nguồn cung sản phẩm thịt, trứng khá dồi dào cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Từ nay đến Tết cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường.

Nguồn cung ổn định

Ông Đỗ Hữu Phương - đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay: Đông Nam Bộ đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá tăng giảm nhiều nhất.

Trong quý đầu năm, bình quân giá gà xuất chuồng 31.800 đ/kg, mỗi ký gà chịu lỗ 1.063đ. Nửa cuối năm, giá xuất chuồng tăng thì chăn nuôi gà lông trắng mới có lãi. Giá gà lông màu tương đối ổn, bà con lãi ít. Trong 10 tháng xuất khẩu gia cầm đạt 1.000 tấn, trị giá 2,2 triệu USD.

Ông Đinh Viết Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Vùng I, thông tin: Hiện nay bình quân người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57kg thịt các loại, 130 - 135 quả trứng/năm, chỉ bằng 70 - 80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổng lượng thịt chúng ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và 17 tỷ trứng gia cầm, thủy cầm mỗi năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa.

“Hiện chúng ta đang xuất khẩu thịt và trứng đi 26 nước, trong đó 4 thị trường lớn là Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu trên 3 tỷ USD về mặt hàng thịt. Trong đó, thịt heo tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm.

Chúng ta đã có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, cung ứng thịt và trứng, hình thành được chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và giá trị ngành hàng” - ông Tú cho biết thêm.

Trong khi đó, tại Vĩnh Long, bà Huỳnh Kim Định - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, trong năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có tổng đàn heo 178.000 con, có khả năng cung ứng 305.000 tấn thịt/năm.

Tuy nhiên, mỗi năm, tỉnh vẫn cần nhập thêm 250.000 con heo thịt. Tỉnh có đàn gà 730.000 con, có khả năng cung cấp 29 triệu quả trứng/năm. “Với dân số 1 triệu người, hiện tỉnh vẫn đang thiếu hụt khoảng 20 quả trứng/người/năm và phải nhập từ các tỉnh bạn” - bà Định thông tin thêm.

Cần hạn chế nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường

Theo ngành chức năng, thời gian qua, khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm là khâu dự báo thị trường còn yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì chủ yếu là người chăn nuôi chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập; trong thực hiện chuỗi liên kết còn lỏng lẻo...

Cho rằng nguồn cung trong nước đang rất dồi dào, ông Đỗ Hữu Phương khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo đông lạnh.

Bên cạnh đó, cần giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng; đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ nay đến Tết cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường. Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng tiêu thụ trong dịp Tết.

Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, các đơn vị có liên quan cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ Nông nghiệp - PTNT không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, heo…

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đánh giá: Năng lực sản xuất của vùng Đông Nam Bộ rất lớn, để chăn nuôi bền vững cần phải có những giải pháp ngắn, trung và dài hạn.

Về dài hạn, cần giải quyết phụ phẩm trong chăn nuôi vì nếu làm tốt điều này sẽ giúp gia tăng đóng góp của ngành chăn nuôi vào tăng trưởng đồng thời giúp đầu vào tốt cho trồng trọt hữu cơ.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần tăng năng lực sản xuất, chế biến cũng như năng lực quản trị theo chuỗi, phát triển thị trường xuất khẩu.

Cần nâng cao năng lực thị trường cho các HTX, người nông dân; thương mại điện tử sẽ là cơ hội mở ra giúp các doanh nghiệp, HTX, nông dân đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh.

Bà Huỳnh Kim Định - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Vĩnh Long: Phương hướng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cố gắng duy trì đàn heo vào khoảng 360.000 con, gia cầm 14 triệu con và 28.000 con dê.

Để làm được điều đó, từ nay đến năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hữu cơ gắn với an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh nuôi giống cao sản; tăng cường phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị; tăng cường kiểm tra giết mổ, nâng cao năng lực vận chuyển, kiểm soát vật tư, an toàn thực phẩm, tập trung phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: