Ổn định sản xuất, mở rộng kênh phân phối

Cập nhật, 12:53, Thứ Ba, 14/09/2021 (GMT+7)

 

Theo Sở Giao thông vận tải, tình hình lưu thông hàng hóa tại các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh thời gian qua không có tình trạng ùn ứ phương tiện.
Theo Sở Giao thông vận tải, tình hình lưu thông hàng hóa tại các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh thời gian qua không có tình trạng ùn ứ phương tiện.

(VLO) Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ở mức tương đối thuận lợi trong lúc dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp. Nhất là giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, một số nơi trong tỉnh còn xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ, tiến độ tiêu thụ nông sản chậm. Trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn cung nông sản của tỉnh cũng đã tìm được đầu ra nhờ nỗ lực kết nối tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối.

Sản xuất tương đối thuận lợi

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm nay tương đối thuận lợi. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Hiện đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu, đã xuống giống trên 42.000ha lúa Thu Đông, đạt 90,5% kế hoạch, giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Vụ mùa 2021 đã xuống giống 10.440ha cây màu, đạt 61% kế hoạch, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khoai lang, đã xuống giống được 8.450ha, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Hiện diện tích khoai lang tím còn trên đồng tại Bình Tân khoảng 960ha, trong đó có 460ha đến kỳ thu hoạch.

Diện tích cây lâu năm khoảng 61.000ha. Nhiều loại trái cây đến cuối vụ thu hoạch như nhãn, chôm chôm. Các loại trái cây thu hoạch quanh năm như cam sành, bưởi Năm Roi, thanh long đang được giãn vụ sản xuất. Ước sản lượng thu hoạch 8 tháng trên 600.000 tấn.

Ước tính đến thời điểm 15/8/2021, đàn vật nuôi của tỉnh như heo, bò, gia cầm đều tăng. Chăn nuôi hiện gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp. Cụ thể, giá heo hơi 55.000 đ/kg. Gà trắng công nghiệp ở mức rất thấp, hiện giá khoảng 15.000 đ/kg, sản lượng gà còn tồn đọng nhiều. Giá giảm do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, giảm tiêu dùng.

Thời gian qua, giá cá tra công nghiệp dao động từ 20.000- 22.000 đ/kg, với mức giá này sau khi trừ chi phí người nuôi cá tra không có lãi, nếu phải thuê mướn ao hầm thì dẫn đến thua lỗ.

Hiện có 277,3ha ao cá tra thâm canh đang thả nuôi. Sản lượng cá tra công nghiệp ước được 56.950 tấn, giảm 12% so cùng kỳ. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 8 tháng năm 2021 được 89.135 tấn, cũng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, việc thực hiện giãn cách xã hội gần đây ở Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến đầu ra nông sản.

Giá cả biến động thất thường tác động làm giảm diện tích gieo trồng rau màu, trong đó diện tích trồng khoai lang giảm nhiều nhất. Một số nơi xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ, tiến độ tiêu thụ nông sản chậm.

Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, Sở Công thương đã phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT đã tăng cường kết nối thị trường nhằm đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp- PTNT và Tổ công tác Bộ Công thương tại TP Hồ Chí Minh để điều tiết kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Qua hoạt động kết nối cung- cầu nông sản lên các kênh thương mại điện tử trong thời gian từ 16/7 đến 10/9/2021, đã có khoảng 230.900 tấn nông sản Vĩnh Long đã được tiêu thụ (chiếm trên 99% sản lượng thu hoạch tại thời điểm trên), trong đó tiêu thụ trong tỉnh 53.900 tấn, tiêu thụ ngoài tỉnh 177.000 tấn.

Thông qua Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong điều kiện dịch COVID- 19 trên địa bàn tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long làm tổ trưởng, hàng ngày đường dây nóng đã xử lý 10- 20 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân.

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp nắm rõ sản lượng, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại thì cần tiếp tục phát huy tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID- 19.

Theo đó, thực hiện kết nối cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu, cũng như duy trì đường dây nóng xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhân dân.

Sau khi dịch COVID- 19 được kiểm soát, cần tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh Vĩnh Long, cùng sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp đầu mối thu mua của các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh, tăng cường các kênh thông tin, quảng bá nông sản của tỉnh để kết nối tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử trên cơ sở cập nhật thường xuyên nhu cầu cần tiêu thu nông sản của người dân, nhất là những sản phẩm đến vụ thu hoạch của tỉnh đến tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương để kịp thời hỗ trợ điều phối, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh đến TP Hồ Chí Minh phục vụ trong thời gian giãn cách xã hội.

Thời gian qua, nông sản của Vĩnh Long được hỗ trợ tiêu thụ thông qua các kênh như: hệ thống chợ truyền thống, chợ nông sản Tam Bình (tiêu thụ bình quân 180- 200 tấn/ngày), các điểm tập kết trái cây ở Long Hồ, rau củ ở huyện Bình Tân, Trà Ôn…; Hệ thống phân phối Co.opmart, Bách hóa Xanh, Vinmart+, Siêu thị GO các tỉnh- thành. Các doanh nghiệp đầu mối, vựa đầu mối thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh bình quân tiêu thụ 450- 500 tấn/ngày. Thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; bán hàng trực tuyến trên mạng, online như Lazada, Voso, Postmart,… trong đó trên địa bàn tỉnh có các sàn Viettel Post, Bưu điện tỉnh, trong tháng 8 đã kết nối tiêu thụ 6.300 tấn nông sản.

Bài, ảnh: THÀNH LONG