Nhân rộng “nông nghiệp xanh”

Cập nhật, 09:45, Thứ Năm, 28/11/2013 (GMT+7)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì nông nghiệp xanh trở thành mô hình tiên tiến đang được nhiều tỉnh, thành ĐBSCL áp dụng, coi đây là giải pháp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển và nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL” trong khuôn khổ diễn đàn MDEC, vấn đề tổn thất sau thu hoạch, sản xuất sạch, môi trường,… được cho là những nhân tố ảnh hưởng việc triển khai, nhân rộng mô hình này hiện nay.

Vĩnh Long đang xây dựng vùng khoai lang Bình Tân đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường
khó tính.


Nhiều yếu tố tác động nông nghiệp

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL vụ Đông Xuân 2012- 2013 chỉ chiếm gần 4,2% diện tích gieo trồng, vụ Hè Thu 2013 tụt xuống còn 3,2%. Cánh đồng nhỏ nhưng diện tích được bao tiêu sản phẩm còn nhỏ hơn, làm tốt như tỉnh Đồng Tháp cũng bao tiêu được khoảng 30% diện tích. Có nghĩa, rủi ro và tổn thất trong thu hoạch, tiêu thụ còn rất lớn.

PGS. TS Lê Văn Hòa- Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) dẫn ra thống kê, lượng lương thực và thực phẩm sản xuất ra có khả năng cung cấp năng lượng cho mỗi người khoảng 4.600 kcal/ngày, nhưng thực tế chỉ cung cấp khoảng 2.000 kcal. Như thế, gần 57% bị mất mát và hao hụt trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Còn theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hạn chế nhất của nông nghiệp nước ta hiện nay là khâu liên kết và tiêu thụ nông sản. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc- Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học- công nghệ và quản lý TP Hồ Chí Minh, nói gọn: “Nuôi cá tra đang ở tình trạng khủng hoảng”.

Vì từ năm 2012 đến nay, giá cá tra liên tục phải bán dưới giá thành. Nguyên nhân chính là giá xuất khẩu giảm liên tục, từ trên dưới 4 USD/kg, đến năm 2011 thời điểm giảm xuống chỉ 1,51 USD và đến năm 2012 còn 1,36 USD.

Cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng nghịch lý là không quyết định được giá. Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, khoa học công nghệ trong khâu nuôi chưa được quan tâm đúng mức, nhưng nguyên nhân chính là khâu quản lý của chính quyền các cấp quá lỏng lẻo.

Liên quan đến môi trường, ông Nguyễn Anh Phong- Giám đốc Trung tâm Miền Nam (Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn) cảnh báo: Hiện rất nhiều phụ phẩm nông nghiệp không sử dụng được thải ra môi trường, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức còn khá phổ biến đã tác động mạnh mẽ đến môi trường và tác động tiêu cực đến chất lượng hệ sinh thái. Riêng ĐBSCL mỗi năm thải ra khoảng 39,4 triệu tấn rơm rạ, 2,47 triệu tấn ngọn, lá mía và 1,42 triệu tấn bã mía, chưa kể chất thải độc hại từ các nhà máy chế biến thủy- hải sản ra sông rạch.

Rà soát mô hình nông nghiệp sạch

Những năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã khuyến cáo và triển khai áp dụng nhiều mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP trên nhiều loại nông sản chủ lực như: cam, bưởi, chôm chôm,… nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, “rất khó nhân rộng vì không có tiền tái chứng nhận một khi GAP hết hạn”. Còn theo Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh): “Tỉnh rất quan tâm và đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí tái chứng nhận thương hiệu bưởi, nhưng hợp tác xã cũng chưa làm được vì... chưa có tiền”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa- Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, để đảm bảo sản xuất xanh bền vững, việc liên kết lớn trong sản xuất, đặc biệt là liên kết vùng là hướng đi tất yếu. Nhưng khi triển khai thực hiện phải có kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm.

Đồng thời, việc nghiên cứu nắm rõ thị trường từ chủng loại, số lượng, thời gian cung ứng… giúp điều tiết tốt trong sản xuất sẽ là điểm mạnh cho việc sản xuất bền vững trong tương lai.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho rằng, Chính phủ cần xây dựng lộ trình cụ thể hơn cho phát triển nông nghiệp- nông thôn về “xanh, sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm” cho đồng bằng với những giải pháp phù hợp điều kiện và quy mô.

Để khắc phục được bất cập trong xây dựng phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, tạo sản phẩm sạch, an toàn, phát triển bền vững,

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, bộ đã định hướng một số giải pháp cho toàn ngành. Cụ thể sẽ tổng kết rà soát các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGAP, cánh đồng mẫu lớn… để chuẩn hóa thành các quy chuẩn quốc gia, tạo cơ sở pháp lý buộc các cơ sở sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam

Mục tiêu của nền nông nghiệp xanh là gắn kết các mô hình sản xuất để đảm bảo giá trị hàng hóa, đồng thời thu hút được các nguồn vốn đầu tư.


Bài, ảnh: Hoàng Minh