BÌNH TÂN:

Nông dân thi đua sản xuất giỏi

Cập nhật, 09:24, Thứ Tư, 30/01/2013 (GMT+7)

Năm qua, Hội Nông dân huyện Bình Tân và cơ sở đã phát động được 672 cuộc vận động, tuyên truyền phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có 14.789 người đăng ký thực hiện, đạt 126,4% so chỉ tiêu tỉnh giao. Qua bình xét cuối năm, có 100% hộ đạt danh hiệu này.

Phát triển nhiều mô hình

Trong năm qua, phong trào đã xây dựng được 145 mô hình mới, nâng tổng số lên 537 mô hình VAC, VACR, VACB, VAR có được tại địa phương.

Trong đó, các mô hình sản xuất lúa đạt hiệu quả cao. Tăng thu nhập khá, phải kể đến mô hình các hộ: Nguyễn Ngọc Lài (ấp Thành Ninh, xã Thành Lợi); Nguyễn Như Anh (ấp Tân Định, xã Tân Lược); Lê Thanh Phong (ấp Hưng Lợi, xã Tân Hưng);…

Bên cạnh các mô hình sản xuất 3 vụ lúa, 2 lúa- 1 cá, 2 lúa- 1 màu hoặc xen canh, chuyển từ đất trồng lúa sang màu thời vụ, màu chuyên canh, nổi bật có các hộ: Ngô Văn Tua (xã Thành Đông) và Châu Văn Tám (xã Tân Bình).

Riêng xóm nghề sản xuất cây giống, rau củ quả và dưa cải ở Tân Lược đã cung cấp cây giống cho nhiều nơi, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động nông nhàn.

Xuống giống vụ khoai mới.

Các vùng khoai nổi tiếng: Tân Thành, Thành Trung, Tân Quới, Tân Hưng, Thành Đông; vùng dưa hấu Tân Hưng, Tân Thành trồng dưa hấu trên bè; vùng hẹ Thành Lợi; vùng hành Tân Bình; vùng đậu mè Tân Lược… dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất, nhất là giá cả đầu ra không ổn định, đôi khi chịu thua lỗ, song hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất nông nghiệp là không thể phủ nhận.

Khoảng 50ha dưa hấu trên bè xã Tân Hưng, phục vụ Tết Nguyên đán, đạt từ 130- 160 triệu đồng/ha/vụ.

Vụ khoai lang tím Nhật Đông Xuân đạt từ 200- 220 triệu đồng/ha; trong khi vụ Hè Thu thu nhập cũng đạt từ 140- 160 triệu đồng/ha, với khoảng 1.500ha ở các xã Thành Đông, Tân Thành, Thành Trung và Tân Bình. Đặc biệt, vụ dưa hấu Đông Xuân và vụ khoai lang tím Nhật Hè Thu ở xã Tân Thành và Tân Hưng với 100ha, đạt trên 280- 290 triệu đồng/ha.

Chuẩn bị vụ hành lá.


Riêng phong trào sản xuất kết hợp các mô hình VAC, VACR, VAR... khép kín ngày càng phát triển, có tác dụng hỗ trợ nhau, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng chất lượng sản phẩm.

Tiêu biểu như mô hình các hộ ông Nguyễn Văn Khôi (ở xã Tân Quới), Hồ Huy Hồ (xã Nguyễn Văn Thảnh), Ngô Văn Để (xã Thành Trung) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cá biệt có hộ thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm.

Mở rộng liên kết làm ăn

Đến nay, Hội Nông dân Bình Tân xây dựng được 34 tổ sản xuất/548 thành viên với các loại hình, như: cuốc, trồng, vun vồng, vô bọc khoai; cắt lúa; thu hoạch hành; thu hái sơ ri.

Ngoài ra, các cấp hội còn củng cố, nâng chất 2 HTX: Rau củ quả Tân Bình, Rau an toàn ở Thành Lợi và 26 tổ hợp tác sản xuất. Nâng tổng số đến nay, địa phương có 5 HTX nông nghiệp và 3 trang trại, 267 tổ sản xuất nông nghiệp, 6 tổ dịch vụ lao động và 5 tổ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Từ phong trào, đã tạo động lực thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn... nhằm liên kết 4 nhà, từng bước thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của địa phương.

Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong khí thế làm ăn của một năm vượt qua nhiều khó khăn, chúng tôi về thăm vùng chuyên màu Bình Tân, thăm ruộng “dưa tết” thế nào.

Theo anh Đoàn Văn Đức- cán bộ nông nghiệp xã Tân Hưng, sau sự cố mưa trái mùa, bà con đã chụp nụ lại và dưa phát triển khá tốt, mặc dù theo người dân, năng suất dưa có thể giảm khoảng 50%.

Cũng theo anh Đức, 1 cặp dưa đẹp bán chưng tết nếu giá từ 150- 200 ngàn đồng, thì nông dân mới có lời. Tân Hưng hiện có khoảng 115ha dưa hấu tết, tăng khoảng 30ha so năm ngoái.

Ông Phạm Văn Bé Ba- Trưởng ấp Hưng Hòa (xã Tân Hưng) cho biết: Ấp Hưng Hòa có khoảng 35ha dưa, hầu hết là dưa tròn chưng tết. Nhờ chăm sóc tốt, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm nên ruộng dưa của bà con cũng đã phục hồi trở lại và cho thu hoạch.

Tuy không bằng năm ngoái, nhưng hiện người dân bán dưa đám tại ruộng với thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Chú Hai Ẩn- nông dân ấp Hưng Hòa- có 8 công dưa “dính” mưa trái mùa. Cả gia đình chú đã tốn công thụ phấn lại cho dưa, năng suất giảm là điều khó tránh nhưng giờ ruộng dưa của chú đã cho trái, phát triển tốt, có thể cho thu hoạch và hứa hẹn một mùa dưa tết dưa đặng giá.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thật sự đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: CÔNG PHÚC- QUANG THUẦN