Những quy định quốc tế đang ngày càng thắt chặt đối với các mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu. Điều này tạo ra hàng rào thương mại cho hàng hóa Việt Nam khi gia nhập các thị trường quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần có các hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính và chuyển dịch kịp thời.
Hội thảo “Chuyển dịch xanh: thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. |
Những quy định quốc tế đang ngày càng thắt chặt đối với các mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu.
Điều này tạo ra hàng rào thương mại cho hàng hóa Việt Nam khi gia nhập các thị trường quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần có các hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính và chuyển dịch kịp thời.
Tại hội thảo: “Chuyển dịch xanh, thách thức, cơ hội cho DN ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ DN”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL và Công ty CP Sáng Tạo Xanh Việt Nam (GREEN IN) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nêu ra vấn đề này; đồng thời đề xuất các giải pháp hướng đến sản xuất xanh cho DN, đặc biệt là hỗ trợ cho DN kiểm kê, lập báo cáo giảm khí thải nhà kính và tư vấn chiến lược phát triển bền vững.
Hiện thực hóa cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ ban hành nhiều quy định, chính sách tác động trực tiếp đến khối DN. Cụ thể, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu các DN phải thực hiện kiểm kê và có hành động giảm nhẹ phát thải phù hợp.
Bên cạnh đó, những quy định quốc tế ngày càng thắt chặt đối với các mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Điều này đang tạo ra hàng rào thương mại cho hàng hóa của Việt Nam khi gia nhập vào các thị trường quốc tế, đòi hỏi các DN xuất khẩu cần có các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chuyển dịch kịp thời.
Theo ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL, với cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã và đang nỗ lực hiện thực hóa bằng việc ban hành nhiều quy định, chính sách tác động trực tiếp đến khối DN.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, chúng ta đã nghe khái niệm kinh tế xanh, chuyển đổi xanh hơn 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều DN chuyển đổi xanh hướng đến kinh tế.
Để có một nền kinh tế tăng trưởng xanh, theo ông là một vấn đề rất phức tạp, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bởi cân bằng được mục tiêu phát triển giữa kinh tế và môi trường là rất khó.
Trong khi trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, tư duy và những quy định chưa hoàn thiện. “Nhưng dù vậy, Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu, một cam kết của Chính phủ rất mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và là định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững”- ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà- quản lý chương trình- Công ty CP Sáng Tạo Xanh (GREEN IN) nhắc đến thông điệp: “Bây giờ hoặc không bao giờ”, được xem như lời cảnh báo từ các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu hàng đầu thế giới về những hành động cần thiết của con người để “cứu vãn” tình thế khi Trái đất đang nóng lên.
Cũng theo bà Hà, người tiêu dùng các nước phát triển lẫn đang phát triển bắt đầu tích cực lựa chọn các sản phẩm “xanh” hoặc đạt mức trung hòa carbon để bảo vệ cho tương lai giữa một Trái đất nóng lên vì khí thải.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi xanh là lĩnh vực mới, độ bao quát lớn. Dù nhiều áp lực, nhưng việc phát triển bền vững “chuyển dịch xanh” cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Đó là giá trị thu được từ phát thải hay gọi là “tín chỉ carbon” mà các nước đang áp dụng.
Do đó, DN cần nâng cao ý thức, chủ động lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính như: nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải phù hợp; xây dựng lộ trình, kế hoạch; tích hợp vào chiến lược kinh doanh; triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính; chứng nhận và truyền thông…
Theo bà Nguyễn Thị Hà, việc giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng các biện pháp tối ưu hóa, gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sẽ giúp DN tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận.
Giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng các biện pháp tối ưu hóa… sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận. |
Hàng hóa ít phát thải, có giấy chứng nhận “xanh” sẽ mở ra cơ hội với những thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Canada... Đồng thời, giữ vững thị trường xuất khẩu, mang lại nguồn doanh thu ổn định hoặc cao hơn, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm bền vững từ người tiêu dùng…
Trong quá trình phát triển kinh tế, việc cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường là một vấn đề rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm chung, sự đồng hành, đầu tư khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh.
Các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng DN cần phải nhận thức được trách nhiệm và tham gia, từng bước rà sót, chuyển đổi cấu trúc sản xuất, kinh doanh phù hợp với các quy định về phát thải.
Bài, ảnh: M.THANH- H.MINH