Câu chuyện nông thôn

Sên bùn cải tạo liếp vườn

Cập nhật, 21:23, Thứ Tư, 21/02/2024 (GMT+7)

Sên bùn (hay còn gọi nạo, vét đất bùn) là kinh nghiệm dân gian đặc biệt của nông dân miền Tây hồi xưa đối với các vườn cây ăn trái. Kỹ thuật này một thời gian dài ít được quan tâm do nhiều nguyên nhân, nhất là từ khi xuất hiện việc thuê đất trồng vườn, khai thác thời gian ngắn. Gần đây, nhiều nhà vườn đã áp dụng việc sên bùn, đem lại nhiều lợi ích.

Lên liếp trồng cây là sáng tạo tuyệt vời của ông bà ta ở miền Tây Nam Bộ, sau thời gian cải tạo vùng đất trũng hoang du có thể trồng được cây lúa nước. Nhưng để trồng được cây ăn trái đòi hỏi rất nhiều điều kiện về nguồn nước, nhưng quan trọng hơn cả là xác định loại đất, vùng đất phù hợp cho từng loại cây ăn trái.

Ông bà xưa bằng kinh nghiệm dân gian rất tôn trọng nguyên tắc này. Đó là một trong những nguyên nhân, vườn cây ngày xưa “trồng một lần ăn trái mười năm” là vậy!

Để cải tạo lớp đất mặt, bù đắp lượng phù sa mới cho vườn cây, ông bà xưa mỗi năm đều sên bùn trong vườn cây- tức là hút lớp đất bùn mới dưới mương đắp lên các liếp cây trồng.

Điều này, giúp cho rễ cây trồng có tập tính ăn cạn lên phía trên mặt mà không cắm sâu xuống dưới. Do đó, cây trồng ăn rất bền bởi bộ rễ không bị tổn thương khi ăn sâu chạm xuống tầng đất sét, đất phèn. Một lợi ích nữa là nâng độ cao vườn cây chống lại quá trình sụt lún hàng năm.

Từ việc sên bùn thủ công bằng công cụ thô sơ, giờ thì việc sên bùn được thực hiện bằng các máy hút bùn tự chế khá tiện lợi và đạt công suất cao.

Chỉ cần 2 nhân công và máy hút, sau khi dọn dẹp vệ sinh mương là có thể đưa máy xuống hút bùn lên các vị trí cần thiết, tạo độ màu mỡ cho vườn cây, giúp cho dòng đời các vườn cây ăn trái được bền lâu hơn, giảm được rất nhiều chi phí phân bón, qua đó giúp vườn cây xanh tốt đạt năng suất cao hơn.

Hailua@.com