Chăm sóc, bảo vệ cây ăn trái trong mùa mưa

Cập nhật, 07:37, Thứ Sáu, 07/07/2023 (GMT+7)
Chăm sóc, bảo vệ cây ăn trái trong mùa mưa, nhà vườn cần chú ý làm cho vườn thoát nước tốt, phòng, trừ bệnh hại và bón phân hợp lý.  Ảnh: NGUYỄN HOÀNG  MINH HÒA
Chăm sóc, bảo vệ cây ăn trái trong mùa mưa, nhà vườn cần chú ý làm cho vườn thoát nước tốt, phòng, trừ bệnh hại và bón phân hợp lý. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG MINH HÒA

Cây ăn trái là cây trồng cạn nên phần lớn “kỵ” ngập nước, nhưng mùa mưa là thời kỳ cây ra hoa, mang trái non. Làm sao giữ được cây, trái để có thu hoạch trọn vẹn trong mùa này và vào đầu mùa khô là vấn đề khó khăn, các biện pháp kỹ thuật cơ bản sau đây cần quan tâm thực hiện.

Làm cho vườn thoát nước tốt

Theo các chuyên gia và nhiều nhà vườn có kinh nghiệm trồng cây ăn trái, vào mùa mưa, lượng nước cung cấp cho vườn có khi liên tục và kéo dài, nếu vườn cây không kịp thoát nước, bị ngập nặng thì bộ rễ cây dễ bị tổn thương, dễ bị các loại nấm bệnh tấn công như bệnh thối rễ, nấm rễ… làm cây chậm phát triển, rụng lá, rụng hoa và trái non. Nếu cây bị bệnh nặng, bộ rễ chính bị chết dẫn đến cây chết theo.

Do vậy, điều kiện quan trọng nhất để cây ăn trái “sống khỏe” là phải làm cho mảnh vườn không bị ngập úng, đào nhiều rãnh phụ sâu khoảng 20-30cm tạo điều kiện cho nước mưa được thoát nhanh xuống các mương liếp.

Bên cạnh, phải gia cố bờ bao, đê bao cho chắc chắn, nạo vét kinh, mương, chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống ngập úng khi cần. Khi bơm tát đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp tối thiểu từ 0,4-0,6m. Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn vừa không làm cho cây bị lay động gốc, vừa làm cho đất ít kết chặt lại.

Đặc biệt, vào những ngày mưa dầm, những vườn có trồng cỏ có thể giúp đất vườn không bị xói mòn, đóng váng. Do đó, liếp cần trồng cỏ phủ bên trên hoặc xung quanh gốc. Nếu lớp cỏ quá dày thì chỉ nên làm cỏ xung quanh gốc cây cho thông thoáng và hạn chế bệnh, đồng thời chỉ nên cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

Khi vườn bị ngập do mưa, cần bơm rút nước nhanh cho vườn khi trời tạnh mưa. Nếu lớp đất mặt bị đóng váng trở nên cứng thì dùng cuốc răng phá váng dưới tàn của cây để không khí và nước thấm xuống đất dễ hơn.

Phòng, trừ bệnh hại và bón phân hợp lý

Theo các chuyên gia, trong mùa mưa, do mưa liên tục, ẩm độ cao, nên mật số sâu hại giảm đáng kể so với mùa khô, trái lại, mật số bệnh hại gây hại trên cây ăn trái lại tăng lên, nhất là các bệnh do nấm gây bệnh thán thư, thối rễ và thối trái.

Đối với nấm bệnh tấn công chủ yếu ở các chồi lá non thì việc thúc lá nhanh thành thục cũng là biện pháp làm hạn chế nấm bệnh. Đồng thời cần tỉa cành già cỗi, cành vượt tạo độ thông thoáng cho cây, thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan, phun các loại thuốc gốc đồng hoặc dung dịch bordeaux để phòng trừ nấm bệnh tấn công vườn.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện thì sau mỗi cơn mưa, nhà vườn cần dùng nước tưới phun hoặc rung cây để rửa nước mưa, vừa có tác dụng loại bỏ môi trường thích hợp phát triển của nấm, vừa làm cho bào tử nấm bệnh bám vào trên mặt lá, cành theo nước rơi
xuống đất. 

Để ngừa nấm bệnh hại rễ, có thể rải vôi (500 kg/ha) hoặc quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 0,5-2m (tùy loại và chiều cao cây). Mỗi năm thực hiện 1 lần vào đầu mùa mưa. 

Khi cây có hiện tượng bị bệnh thối rễ thì nhà vườn không nên sử dụng phân hoặc thuốc hóa học bón, phun xịt vào gốc cây vì làm bệnh càng nặng hơn, thay vào đó, cần sử dụng nấm đối kháng trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất giúp cân bằng hệ sinh vật đất, hạn chế nấm gây bệnh.

Mùa mưa nên hạn chế bón phân hữu cơ chưa hoai mục, vì sẽ xảy ra quá trình phân hủy hữu cơ của vi sinh vật, tiêu hao không khí trong đất và dễ làm cho rễ cây thiếu không khí. Việc sử dụng phân hóa học hoặc các chất điều hòa sinh trưởng cần thận trọng.

Tùy theo từng giai đoạn của cây có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nếu cây đang mang trái thì cần nhiều phân đạm và kali, nếu thúc ra đọt thì cần nhiều phân đạm và lân. Trước khi bón, nên xới xáo nhẹ vườn để chống lại sự rửa trôi phân của nước mưa.

Trong mùa mưa, vườn cây cần được đào nhiều rãnh phụ giúp thoát nhanh nước mưa. Sử dụng màng phủ nông nghiệp che mặt liếp trong giai đoạn “xiết nước” ra hoa.
Trong mùa mưa, vườn cây cần được đào nhiều rãnh phụ giúp thoát nhanh nước mưa. Sử dụng màng phủ nông nghiệp che mặt liếp trong giai đoạn “xiết nước” ra hoa.

Theo kinh nghiệm của nông dân Nguyễn Văn Tốt (55 tuổi, ở ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm) việc sử dụng phân hóa học bón cho cây cam sành trong mùa mưa cần ưu tiên, bón nhiều cho giai đoạn đầu mùa mưa sau khi thu hoạch trái, cắt tỉa cành, lá tạo tán và xới đất xung quanh gốc cây.

Vì giai đoạn này, mưa chưa nhiều, đất chưa ngấm no nước, trời có nắng nên nước dễ bốc hơi. Còn ở giai đoạn giữa và cuối mùa mưa (tháng 9-11), mưa nhiều, vườn thường bị ngập nước nên hạn chế hoặc ngưng bón phân hóa học vào đất vì có thể làm ảnh hưởng bộ rễ của cây, cây có thể bị rụng lá, hoa, trái non, nên ưu tiên bón phân qua lá giúp cây hấp thụ phân tốt hơn.

Theo các chuyên gia, nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh sau thời gian mưa kéo dài, nhà vườn có thể phun các loại phân qua lá có chứa N, P, K, đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic,…

Đối với những vườn đang ra hoa, chịu ảnh hưởng bởi mưa từ nhẹ đến trung bình thì tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa nguyên tố vi lượng boron hoặc các chất điều hòa sinh trưởng trong danh mục cho phép nhằm giảm rụng trái và gia tăng tỷ lệ đậu trái. Ở những vườn cây đang đậu trái non hoặc trái đang trong giai đoạn phát triển thì có thể phun phân bón lá có chứa canxi, đồng, boron, kẽm để tránh hiện tượng nứt trái. Những vườn cây ăn trái cho trái nghịch vụ đang trong giai đoạn “xiết nước” để tạo mầm hoa thì sử dụng màng nilon không thấm nước làm mái che cho mặt liếp vườn cây, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của nước mưa đến hiệu quả xử lý ra hoa.

Đối với những vườn đang xử lý ra hoa hoặc đang ra hoa mà bị ảnh hưởng gần như toàn bộ (cây không thể ra hoa được hoặc hoa bị thối rụng) thì cắt bỏ các phát hoa, tiếp tục chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp. Ngoài ra còn sử dụng các biện pháp chằng, chống cho cây không bị gãy cành, thân hay bị đổ ngã… do mưa lớn, gió mạnh trong suốt mùa mưa, bão.

 

Bài, ảnh: MINH HÒA