Chuyển đổi sản xuất để thích ứng với hạn- mặn

Cập nhật, 06:00, Thứ Ba, 29/12/2020 (GMT+7)

 

Chuyển đổi sản xuất một cách chủ động, hiệu quả để thích ứng với hạn- mặn.
Chuyển đổi sản xuất một cách chủ động, hiệu quả để thích ứng với hạn- mặn.

(VLO) Bên cạnh việc vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo, thủy lợi thì việc chủ động chuyển đổi sản xuất được xem là giải pháp chủ động thích ứng lâu dài với hạn- mặn.

Thiệt hại do hạn- mặn là rất lớn

Ngày 28/12/2020, Sở Nông nghiệp- PTNT phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn- mặn tại huyện Vũng Liêm.

Qua đó, giúp giảm thiểu mức độ thiệt hại cây trồng, định hướng bố trí lại mùa vụ và phát triển cơ cấu cây trồng phù hợp hạn- mặn tại Vũng Liêm cũng như những địa phương thường bị mặn tấn công trong tỉnh.

Đợt hạn mặn mùa khô 2015- 2016, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn lên cao nhất đo được đến 9,6‰ làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt với 12.000ha lúa Đông Xuân 2015- 2016 ở 17 xã- thị trấn của huyện Vũng Liêm giảm năng suất 15- 20%.

Trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 100% là 242ha. Khoảng 10.000ha lúa Hè Thu phải giãn lịch xuống giống. Hạn- mặn cũng khiến cho 5.500ha cây ăn trái, 700ha rau màu bị thiếu nước tưới, đặc biệt là tại 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện.

Do nằm giữa 2 nhánh sông lớn là sông Bang Tra và Cổ Chiên nên 100% diện tích vườn của cù lao Dài bị ảnh hưởng bởi hạn- mặn. Ước tổng thiệt hại trên cây trồng tại Vũng Liêm khoảng 225 tỷ đồng.

4 năm sau, mùa khô 2019- 2020, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu vào nội đồng và kéo dài trong nhiều tháng.

Mặc dù có bước chuẩn bị chủ động ứng phó nhưng khi mặn lại tiếp tục thiệt hại tại huyện này. Hơn 1.000ha cây trồng, trong đó trên 416ha lúa và trên 656ha cây ăn trái ở các xã Trung Ngãi, Trung Thành, Trung Chánh, Thanh Bình, Quới Thiện lại héo lá, chết cây hoặc giảm năng suất.

Chưa kể, diện tích sản xuất rau màu vụ Hè Thu giảm hơn trung bình nhiều năm là 216ha. Thiệt hại do hạn- mặn trong năm 2020 trên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn- mặn kéo dài còn gây thiếu nước cục bộ cho gần 5.000ha lúa và cây ăn trái.

Bên cạnh thiệt hại cho sản xuất, hạn- mặn còn gây ảnh lớn đến đời sống người dân. Toàn huyện có 15.000 hộ dân sử dụng nước máy bị nhiễm mặn trong mùa khô 2015- 2016.

Mùa khô 2019- 2020, cống Vũng Liêm phát huy hiệu quả ngăn mặn nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn một số khu vực bị ảnh hưởng.

Theo đó, các nhà máy cấp nước tập trung lấy nước dọc sông Cổ Chiên và 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện chưa có công trình ngăn mặn nên 8.000 hộ dân nơi đây cũng còn chịu cảnh “khát nước”.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, bên cạnh việc chưa hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, trữ ngọt thì khó khăn còn đến từ việc một số khu vực chưa thật sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng sản xuất lúa tại các xã có nguy cơ nhiễm mặn nhưng lại chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn. Trên cây ăn trái, người dân chưa áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác ứng phó hạn- mặn.

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng

Ông Dương Ái Đạo cho biết, nhằm thích ứng với hạn- mặn mùa khô năm nay, Vũng Liêm định hướng chuyển đổi vùng sản xuất lúa 3 vụ sang 2 lúa- 1 màu. Vùng nào sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu, chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp.

Đối với cây ăn trái, phát triển các vùng chuyên canh gắn với thị trường, giữ ổn định 1.200ha sầu riêng, 1.000ha xoài cát núm, xoài cát chu; phát triển 2.500ha bưởi da xanh tập trung ở các xã có điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi hoàn chỉnh; chuyển đổi 1.500ha đất trồng lúa sang trồng cam sành; tiếp tục phát triển 300- 350ha cây lác; giữ vững diện tích 4.500ha dừa.

Bên cạnh, có thể kết hợp mô hình canh tác xen canh giữa dừa với nhóm cây có múi hoặc kết hợp với nuôi thủy sản để đa dạng nguồn thu nhập.

Để ứng phó tốt với hạn- mặn mùa khô sắp tới, ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho rằng bên cạnh các giải pháp phi công trình, Vũng Liêm xác định cần đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình thủy lợi đang thi công cũng như sớm được bố trí kinh phí để thi công các công trình trong kế hoạch.

Trước mắt, bên cạnh vận hành hợp lý các công trình thủy lợi hiện có thì thủy lợi nội đồng cần được tăng cường, đồng thời vận động người dân nạo vét kinh mương để chủ động tích trữ nước, bảo vệ sản xuất.

Đồng thời, huyện cũng cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động ở một số tuyến sông lớn để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Đối với các nhà máy nước tập trung ở khu vực có nguy cơ bị nhiễm mặn cần thiết kế ao trữ nước ngọt để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống lọc nước mặn thành ngọt để phục vụ sinh hoạt và tưới cho cây trồng cũng rất cần thiết hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hạn- mặn mùa khô 2020- 2021 còn diễn biến rất khó lường nên huyện Vũng Liêm cũng như những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn- mặn trong tỉnh cần đề cao cảnh giác để bảo vệ thành quả sản xuất trên cơ sở thuần thục các biện pháp phòng chống, ứng phó.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để dần thích ứng với biến đổi khí hậu như việc chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 lúa 1 màu, luân canh cây hàng năm trên đất lúa hình thành vùng sản xuất bắp nếp, khoai mỡ, đậu nành rau, dưa gang,… mang lại hiệu quả cao tại một số địa phương.

Song song đó, các địa phương đã giảm dần diện tích lúa chuyển đổi sang trồng các loại rau, màu sử dụng ít nước, có khả năng chịu hạn- mặn hoặc nuôi thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Liêm cũng lưu ý để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung cần có chiến lược dài hạn, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sản xuất và đảm bảo thủy lợi.

Theo đó, cần tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng vật nuôi chịu hạn, mặn, phèn; từng bước đưa vào thử nghiệm một số giống cây trồng chịu mặn để canh tác vùng có khả năng nhiễm mặn và mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi thủy sản ở nơi môi trường nước thay đổi, vùng nước lợ.

Bài, ảnh: THÀNH LONG