Để khởi nghiệp đủ "chất" lẫn "lượng"

Cập nhật, 13:43, Thứ Năm, 29/11/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, vấn đề thúc đẩy khởi nghiệp đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện và bước đầu đã tạo được môi trường thuận lợi cho các cá nhân, nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thật sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả, không phải chỉ “làm theo phong trào”, còn cần nhiều yếu tố để khởi nghiệp đạt về “lượng” lẫn về “chất”.

Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhận được nhiều sự quan tâm của những doanh nghiệp trẻ.
Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhận được nhiều sự quan tâm của những doanh nghiệp trẻ.

Khởi nghiệp ĐBSCL: hội tụ đủ điều kiện

Theo nhiều chuyên gia, xét về điều kiện để khởi nghiệp, ĐBSCL có thể nói đang hội đủ các yếu tố. Đó là sự thuận lợi từ chủ trương, chính sách của các cấp, cùng với điều kiện hạ tầng đầy đủ như hệ thống trường ĐH, CĐ, các trung tâm nghiên cứu, Vườn ươm doanh nghiệp quốc gia (KVIP) và trung tâm ươm tạo của tỉnh.

Bên cạnh đó, lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường của vùng là cơ hội lớn cho khởi nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, công nghệ sinh học, giống, nông nghiệp kỹ thuật cao, vật liệu kỹ thuật mới,…

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (BSA) đã tổ chức trao giải cho cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 4-2018, với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”.

Cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho những người khởi nghiệp, giúp bổ sung những kiến thức, kỹ năng trong việc xây dựng và phát triển, hoàn thiện dự án. Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 300 dự án, ý tưởng khởi nghiệp từ khắp các tỉnh- thành trên cả nước tham gia.

Qua đó cho thấy, sức hút khởi nghiệp đã ngày càng lan tỏa, mở rộng. Doanh nghiệp, bạn trẻ lẫn ngành chức năng đã từng bước quan tâm hơn, đồng thời mong muốn nâng cao chất lượng khởi nghiệp hơn.

Theo ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc phụ trách VCCI chi nhánh Cần Thơ, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL, thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Thủ tướng về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, từ năm 2016 đến nay, nhiều địa phương đã tập trung cho các hoạt động khởi nghiệp.

ĐBSCL ghi nhận hầu hết các tỉnh- thành đều xây dựng các đề án, chương trình khởi nghiệp, một số tỉnh thành lập hội đồng để triển khai chương trình, kế hoạch dài hạn.

“Trong 2 năm qua (2015- 2017), ĐBSCL tăng 12% số doanh nghiệp thành lập mới, một số tỉnh vượt trội như Bến Tre (bình quân 32%), Hậu Giang (35%), Long An (16%); Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An (11%). Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu so về tốc độ phát triển doanh nghiệp, ĐBSCL còn đang mức thấp hơn mức 16% bình quân cả nước”- ông Nguyễn Phương Lam cho hay.

Khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cần gì?

Trong những năm gần đây, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển của quốc gia và cũng là lĩnh vực nhiều lợi thế trong hợp tác quốc tế.

Các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành chủ đề được trao đổi thường xuyên và nhận được nhiều sự quan tâm của những doanh nghiệp trẻ với những sáng kiến tâm huyết như phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong nông nghiệp,

ứng dụng các kỹ thuật sản xuất công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh tôm, lai tạo các giống mới có giá thị trường cao, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi giá trị nông sản,…

Những hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao cũng xuất hiện nhiều thách thức,
khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh- Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã cố gắng xây dựng bước đầu hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo thuận lợi cho các cá nhân, nhóm hay doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đó là việc ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp thông thường và khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức hội thảo, đào tạo, hình thành các cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung. Nhiều tỉnh-thành cũng giao nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp cho các đơn vị được xem là nòng cốt trong thúc đẩy khởi nghiệp…

Tuy nhiên, “nếu lấy tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới của ĐBSCL so với cả nước trong những năm gần đây làm cơ sở đánh giá thì chưa thấy được hiệu quả của việc thúc đẩy khởi nghiệp ở ĐBSCL.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới của ĐBSCL so với cả nước là 8,07% nhưng năm 2015 giảm còn 7,61%, năm 2016 tiếp tục giảm còn 7,17% và năm 2017 giảm chỉ còn 7,09%”- bà Nguyễn Thị Thương Linh nêu thực trạng.

Để tăng tính hiệu quả của khởi nghiệp ĐBSCL, ông Lương Minh Huân- Phó Viện trưởng phụ trách của Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI)- đơn vị thực hiện Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2017, cho rằng:

cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thêm lòng tin cho người làm kinh doanh; xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, có tính quốc tế cao hơn; cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp;

khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi sự; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng mạng lưới dịch vụ tư vấn để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tăng cường đầu tư nghiên cứu ứng dụng.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh cũng đề xuất với chính quyền các địa phương ĐBSCL trong việc đưa ra những chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như tăng cường kết hợp cùng các chuyên gia đưa ra những tư vấn về chiến lược khởi nghiệp phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương.

Bên cạnh, cần có sự hợp tác công- tư, giữa cơ quan hữu quan nhà nước và doanh nghiệp để hoạt động khởi nghiệp đem về hiệu quả thực chất, không chạy theo phong trào hay chỉ là việc “làm cho có”.

Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long 2018. Theo đó, mục tiêu là triển khai đồng bộ các định hướng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hoạt động đào tạo kiến thức khởi nghiệp thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, các hội thảo…

Đặc biệt, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ I năm 2018 đã được phát động rộng rãi và nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, đến nay, BTC đã nhận được 34 hồ sơ tham gia cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp; các thí sinh đã được hỗ trợ tập huấn phương pháp viết dự án hoàn chỉnh và hướng dẫn cách trình bày trước Ban giám khảo, giúp thí sinh hoàn chỉnh bài dự thi để sẵn sàng cho vòng thi bán kết và chung kết sắp tới.

Bài, ảnh: AN- THẢO