Cơ cấu lại ngành công thương- tập trung 3 khâu đột phá

Cập nhật, 14:42, Thứ Ba, 02/10/2018 (GMT+7)

 

Đề án quan tâm thu hút vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại
Đề án quan tâm thu hút vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại

Sở Công thương vừa triển khai đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh Vĩnh Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, cũng là 3 vấn đề nền tảng của đề án này.

Chú trọng công nghiệp chuyên sâu, năng lượng tái tạo

Đề án đặt mục tiêu cơ cấu khu vực I (nông- lâm- thủy sản), khu vực II (công nghiệp- xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) trong GRDP lần lượt từng giai đoạn như sau: đến năm 2020: 28%, 25,60% và 46,40%; đến năm 2025: 23%, 28,50% và 48,50%; đến năm 2030: 17,80%, 32,60% và 49,60%.

Có khoảng 25- 30% doanh nghiệp trên lĩnh vực công thương có hoạt động đổi mới sáng tạo. Các chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có liên quan đến lĩnh vực công thương nằm trong nhóm tốt
cả nước.

Theo ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh Vĩnh Long ban hành kèm Quyết định 1759 ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh, xác định mục tiêu tăng trưởng từng giai đoạn và đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành công thương và các ngành liên quan. Trong đó, xác định các lĩnh vực, các ngành ưu tiên phù hợp xu hướng phát triển.

Trong lĩnh vực công nghiệp (CN), đề án nhấn mạnh đến CN chế biến thực phẩm và đồ uống (nhất là các ngành CN phục vụ phát triển nông nghiệp như chế biến nông sản, thủy sản); CN dệt may, da giày; CN hóa chất, dược phẩm.

Cùng với định hướng phát triển, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, đề án khuyến khích chú trọng đến việc liên kết sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành công thương theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.

Đề án chú trọng các ngành CN hỗ trợ như: CN chiếu xạ; CN bao bì, đóng gói; CN cơ khí; lĩnh vực năng lượng; thúc đẩy lĩnh vực thương mại…

Ông Phạm Tứ Phương cho biết Vĩnh Long có điều kiện phát triển ngành CN năng lượng mặt trời do nguồn bức xạ cao và rải đều trong năm, tỉnh cũng đang lập đề án quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời đến năm 2030.

“Hiện nay, tỉnh đã có nhà đầu tư vào cụm CN đầu tư lĩnh vực năng lượng mặt trời, nhưng còn vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, qua khảo sát của các nhà đầu tư, đặc biệt tuyến sông Cổ Chiên từ Long Hồ đến Vũng Liêm có tiềm năng và lợi thế để phát triển các dự án điện gió rất cao và hiệu quả”- ông Phạm Tứ Phương nói và đề nghị lãnh đạo các địa phương cần chú ý thêm các lợi thế về điều kiện tự nhiên để khai thác và kêu gọi các dự án năng lượng sạch.

Chuyển đầu tư công vào các lĩnh vực ưu tiên

Đề án tái cơ cấu ngành công thương nhằm nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và thực hiện có trọng điểm, có thứ tự bố trí nguồn lực cho việc phát triển các ngành kinh tế ưu tiên, địa bàn kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, cũng như hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế…

Cùng với đó, đề án quan tâm cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là chuyển đầu tư công vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển ngành công thương.

Đề án định hướng tăng đầu tư vào hạ tầng, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các khu- cụm CN, hạn chế phát triển CN ở bên ngoài khu- cụm CN; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và cơ sở nằm trong khu dân cư đô thị…

Từ đó, đề án định hướng phân vùng CN dọc sông Tiền, sông Hậu; đẩy mạnh phát triển cụm CN tại địa phương có nhiều lợi thế, đặc biệt 14 cụm CN đã được phê duyệt; phát triển dịch vụ logistics, hướng tới kêu gọi đầu tư, nâng cấp cảng Bình Minh thành trung tâm logistics cấp vùng…

Cùng với đó, tăng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực cải cách hành chính, công nghệ cao. Đồng thời, tăng đầu tư vào lĩnh vực khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới công nghệ; tăng đầu tư mạnh vào maketing địa phương, xúc tiến đầu tư- thương mại…

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X xác định thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Vĩnh Long là:

- Phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

- Thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, phát triển CN chế biến, đẩy mạnh thương mại- dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm.

Đây cũng là 3 vấn đề nền tảng để thực hiện cơ cấu lại ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Song song đó là việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC