Sản phẩm địa phương: Cải tiến công nghệ để vào siêu thị

Cập nhật, 10:01, Thứ Năm, 07/07/2016 (GMT+7)

Đưa sản phẩm vào siêu thị có khó không? Câu trả lời là rất khó. Song đây là cách phân phối được nhiều doanh nghiệp (DN) địa phương đang nỗ lực thực hiện để khẳng định tên tuổi, thương hiệu, mở ra thị trường tiêu thụ mới. Dù vậy, con đường này cũng còn lắm gian nan.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm địa phương.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm địa phương.

Đổi mới, đầu tư công nghệ

Nhận thấy nhu cầu sử dụng hàng hóa có thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng ngày càng lớn, nên nhiều DN đã dần cải tiến công nghệ để hoàn thiện sản phẩm hơn.

Từ đó, tìm một chỗ đứng trong siêu thị được xem là bước phát triển mới mang tính chiến lược lâu dài cho DN.

Suy nghĩ “sản phẩm vào siêu thị là đã khẳng định đẳng cấp và là kênh quảng bá hữu hiệu” nên cô Lưu Kim Phụng- chủ Cơ sở bún phở Ba Khánh không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và hơn hết là đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.

Với nỗ lực đó, hiện nay sản phẩm của cô đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Food, Vinmart, Satra,... và một trong những hệ thống siêu thị khó tính nhất của Nhật Bản là Aeon.

Cô Phụng phấn khởi: “Tôi rất mừng vì sản phẩm đã được đi xa hơn. Thị trường ngày càng khó tính nên phải đổi mới tư duy kinh doanh.

Lúc đầu, tôi cũng ngán đầu tư máy móc, bao bì, thêm chi phí vận chuyển cao, song dần dần tôi nhận ra siêu thị là kênh phân phối an toàn nên chịu lỗ thời gian đầu mà vẫn vui vì nhiều người biết đến. Hiện cơ sở đã có 40% sản phẩm vào siêu thị”.

Đang trên chuyến xe giao 60 thùng sản phẩm cho Siêu thị Tứ Sơn ở An Giang, trao đổi qua điện thoại, anh Âu Thanh Hiếu- chủ Cơ sở sản xuất me hạt mềm Hồng Phượng vui mừng cho biết: Vào siêu thị là doanh số không ngừng tăng.

Mới đầu, 2 tháng giao hàng một lần và giao 40 thùng (15 hộp/thùng), nhưng giờ phải thường xuyên châm hàng, tháng giao 2 lần, với 60- 70 thùng/lần.

“Tôi thấy siêu thị là kênh quảng bá thương hiệu rất tốt, tạo sự tín nhiệm cho người tiêu dùng hơn. Nhận thấy mua hàng trong siêu thị sẽ là xu hướng được nhiều người ưa chuộng nên tôi sẽ hướng sản phẩm phát triển theo hướng này”- anh nói.

Tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, 4 DN địa phương đã có sản phẩm nằm trên kệ và có doanh thu khá là Cơ sở sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh, DNTN Vĩnh Nghiệp (chuyên kinh doanh trứng), HTX Rau an toàn Phước Hậu và DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp.

Đang chọn mua nước mắm Hòa Hiệp, chị Lê Thị My (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: ‘Tôi luôn có xu hướng chọn mua hàng sản phẩm địa phương vì gần gũi với mình hơn, nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã cũng ngày càng được cải thiện nhiều”.

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long cho biết: Siêu thị luôn sẵn sàng tiếp cận các sản phẩm của địa phương nhưng các nhà sản xuất phải tâm huyết đầu tư công nghệ cho sản phẩm cả về kiểu dáng mẫu mã bao bì, khi đó thương hiệu sẽ phát triển hơn và được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Khó vào và cũng khó trụ

Vào siêu thị, tiêu chuẩn rất khắt khe, nhưng muốn trụ lại và có vị trí vững chắc không phải là điều dễ dàng, nhất là trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Cô Lưu Kim Phụng cho biết: Tiêu chuẩn vào siêu thị rất khó, trước hết là sản phẩm phải chất lượng, phải thay đổi bao bì sao cho người tiêu dùng thấy bắt mắt có cảm tình.

Để được vào hệ thống Siêu thị Aeon, phải sửa đi sửa lại bao bì nửa năm trời, rồi thêm khâu kiểm khắt khe về hóa chất, vi sinh nấm mốc.

Người ta đến kiểm tra đột xuất, nhà xưởng phải đạt 90% trở lên mới bắt đầu kiểm tra 2 năm/lần, còn dưới 90% là mỗi năm mỗi kiểm.

Khẳng định các mặt hàng sản phẩm địa phương được nhiều người tiêu dùng quan tâm, song ông Văn Quốc Hoàng cho biết, nhiều DN vào siêu thị chưa chủ động cải thiện mẫu mã để theo kịp thị trường.

Thêm vào đó, đôi khi giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hết hiệu lực phía siêu thị yêu cầu nhà sản xuất cung cấp thì không có nên không thể tiếp tục lấy hàng.

Đó là lý do vì sao không ít sản phẩm địa phương “đến rồi lại đi”, số lượng sản phẩm địa phương tại siêu thị tỉnh nhà còn rất hạn chế.

Song song đó, “gánh” thêm chiết khấu trong siêu thị là một khó khăn lớn cho DN khi muốn vào siêu thị.

Từng có sản phẩm trong hệ thống Siêu thị Co.opmart, chị Lê Trúc My- Phó Giám đốc DNTN Sơn Hải cho biết: “Do hồ sơ công bố chất lượng phải làm lại, tốn nhiều thời gian nên hiện chưa cung cấp hàng cho Co.opmart được. Trong khi đó, một số siêu thị đòi chiết khấu quá cao, có nơi đòi 20- 25%, DN chịu không nổi”.

Hiện nay chợ truyền thống là kênh phân phối chính của các DN, nhưng siêu thị là kênh phân phối tiềm năng phát triển trong tương lai.

Do đó, ngoài sự tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp DN kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, rất cần sự nỗ lực, mạnh dạn cải tiến, đầu tư hơn nữa từ phía DN để tham gia chuỗi cung ứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thông qua hệ thống siêu thị, nhà sản xuất tại địa phương đã có cơ hội nâng cao chất lượng, thêm kênh phân phối mới.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức, bởi khi đưa hàng hóa vào siêu thị, các nhà cung cấp địa phương phải chịu sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn ngay tại siêu thị. Do vậy, để duy trì, đòi hỏi các nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã, giá cả hợp lý.

Ông Tạ Minh Sơn- Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) cho biết: Hiện Vĩnh Long có 26 đơn vị có sản phẩm tại siêu thị, doanh thu cho các đơn vị này từ 400- 500 triệu đồng/tháng. Vào dịp lễ tết, các sản phẩm của Vĩnh Long đáp ứng nhu cầu thị trường rất tốt, nhất là các mặt hàng đặc sản địa phương. Ngoài đi đến các nhà phân phối lân cận các sản phẩm này cũng được khách nước ngoài ưa chuộng. Thời gian tới, nhất định siêu thị sẽ tiếp tục kết nối giao thương với tỉnh Vĩnh Long để tìm và mở rộng thêm nhiều mặt hàng hơn nữa, bởi tỉnh Vĩnh Long còn có rất nhiều DN tiềm năng.

Bài, ảnh THẢO LY