Triển vọng hợp tác cấp địa phương với Châu Âu

Cập nhật, 05:53, Thứ Năm, 05/11/2015 (GMT+7)

Cuối tháng 10 vừa qua, một phái đoàn các doanh nghiệp (DN) Châu Âu đến làm việc tại Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là buổi gặp đầu tiên sau khi Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội các DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Mạng lưới thương mại Châu Âu- Việt Nam (EVBN) với Bộ Ngoại giao Việt Nam được ký kết ngày 26/10 tại TP Hồ Chí Minh. Các dự án đầu tư được kỳ vọng cũng như khuyến nghị của các DN Châu Âu mở ra triển vọng hợp tác từ 2 phía.

Triển vọng công nghiệp địa phương

Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường.
Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường.

Với chủ đề “Nền tảng cho mối quan hệ đối tác về thương mại và đầu tư”- Bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường kết nối, quảng bá đầu tư, thương mại và kinh doanh giữa các DN Châu Âu với các địa phương thay vì tập trung vào các thành phố lớn. Đồng thời hỗ trợ các địa phương tiếp cận thị trường Châu Âu trong quá trình đẩy mạnh sâu rộng hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà Nicola Connolly- Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, EuroCham sẽ tiếp tục là đối tác chủ chốt của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các vấn đề thương mại đầu tư và kiến nghị, đặc biệt thông qua ấn phẩm thường niên Sách trắng. Ấn bản thứ 8 dự kiến được công bố vào tháng 1/2016, bao gồm các chủ đề thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.

Đây là thành quả công việc của 14 tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham và là trọng tâm trong hoạt động vận động chính sách của EuroCham. Ấn phẩm Sách trắng còn là cẩm nang cho các bộ, ban, ngành và cơ quan địa phương trong việc nghiên cứu phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Bà Nicola Connolly khẳng định tầm quan trọng và tiềm năng đầu tư và thương mại tại các tỉnh- thành địa phương thông qua kết quả của một nghiên cứu cho thấy, thu nhập tại các vùng nông thôn thực tế đang tăng nhanh hơn thành thị. Vì vậy, số người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ chiếm 1/3 tổng số tính đến năm 2020.

Là tổ chức được tài trợ bởi Chính phủ Đức, hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, GIZ hoạt động tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Đức với 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề; bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển đô thị và mạng lưới y tế.

Ông Severin Peters- Cố vấn cao cấp của Cơ quan phát triển Đức (GIZ) thông tin, GIZ sắp xuất bản ở Việt Nam một ấn phẩm do nhóm tác giả của GIZ, Chính phủ Đức và Australia cùng thực hiện, giới thiệu về tiềm năng vùng ĐBSCL nhằm hướng dẫn đầu tư vào khu vực này. Theo dự kiến, ấn phẩm trên sẽ ra mắt tại Việt Nam trong khoảng cuối năm 2015.

EVBN là dự án do Phái đoàn EU tại Việt Nam tài trợ, nhằm gia tăng xuất khẩu và đầu tư từ EU vào Việt Nam, đặc biệt từ các DN vừa và nhỏ, cũng như hỗ trợ khối DN EU tại Việt Nam thông qua các hoạt động vận động chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bà Jana Ackermann- Phó Giám đốc EVBN cho biết, không dễ nắm bắt được hoạt động kinh doanh tại các tỉnh- thành của Việt Nam do lâu nay các hoạt động thường tập trung vào các thành phố lớn. EVBN thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa đoàn DN EU và Việt Nam. Sắp tới sẽ có phái đoàn EU tìm cơ hội kinh doanh về lĩnh vực năng lượng xanh, và khoảng tháng 3/2016 là đoàn chuyên về thủy sản. Qua đó, EVBN muốn kết nối thêm với các địa phương cũng như DN tại đây.

Vĩnh Long mong muốn sớm ký kết hợp tác

Tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư bày tỏ thiện chí hợp tác thông qua bàn bạc trực tiếp tiến tới ký kết hợp tác trong thời gian sớm nhất. Và đề xuất này đã nhận được hồi đáp tích cực từ đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Triển vọng hợp tác cấp địa phương với Châu Âu. Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp Châu Âu làm việc tại Vĩnh Long.
Triển vọng hợp tác cấp địa phương với Châu Âu. Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp Châu Âu làm việc tại Vĩnh Long.

Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục tạo điều kiện để các DN Châu Âu kết nối đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản, nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cũng như hỗ trợ Vĩnh Long xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sắp tới, Vĩnh Long tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu, cụm công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển thương mại- dịch vụ, du lịch và đô thị.

Vĩnh Long hiện có 32 dự án FDI đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 184,59 triệu USD, đến nay đã thực hiện được 127,36 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 18.700 lao động.

Các dự án FDI chủ yếu đến từ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan,… với các ngành nghề như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, thực phẩm, giày dép da, sản phẩm da, thức ăn chăn nuôi, gia công hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ. Các dự án này hoạt động lợi nhuận cao, giải quyết việc làm, đảm bảo mức sống khá cho người lao động, nhiều DN tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2011- 2015, Vĩnh Long tiếp nhận và quản lý 9 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó có 2 dự án sử dụng nguồn ODA vốn vay, 7 dự án sử dụng nguồn ODA không hoàn lại. Hiện có 7 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay với tổng vốn đăng ký của các dự án trên 1.083 tỷ đồng. Nguồn ODA trên 710 tỷ đồng (trong đó vốn vay ưu đãi ODA trên 74 tỷ đồng), chiếm 65,54%, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trên 278 tỷ đồng, chiếm 25,73%.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, địa phương cần tăng cường tiếp cận thông tin về cơ hội, thách thức đặt ra cho DN địa phương và nên chủ động xây dựng quan hệ với các tổ chức cũng như DN nước ngoài. Đồng thời phải nâng cao hiệu quả của chính sách và chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động của DN đầu tư tại địa phương. Chính quyền và DN địa phương cũng nên đánh giá để xem những sản phẩm, dịch vụ nào là thế mạnh để kết hợp với DN Châu Âu.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN