Bán buôn vỉa hè- sao cho hợp lý?

Kỳ cuối: Không phải không có cách

Cập nhật, 13:21, Thứ Tư, 27/11/2013 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Quanh năm mua bán ở... vỉa hè

>> Kỳ 2: Cứ đuổi, cứ chạy và... vẫn bán

Giải quyết ổn thỏa tình trạng bán buôn lấn chiếm vỉa hè rõ ràng là bài toán khó. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, không phải là không có cách.


Vỉa hè quanh Công viên TP Vĩnh Long khi còn được sắp xếp cho mua bán.

Được sắp chỗ mua bán- mừng hơn trúng số

Chú Nguyễn Minh Cảnh (Phường 2- TP Vĩnh Long) bán cài kẹp ở chợ đêm Phường 1 nói: Từ ngày vô chợ đêm bán, thu nhập ổn định hơn nên rất mừng. Nhất là những ngày giáp tết vì còn có thể bán thêm mai giả.

Chị Trần Thị Thanh Lan (Phường 1- TP Vĩnh Long- từng bán ở vỉa hè trước Công viên thành phố nói: “Lúc chưa được sắp chỗ, tui chạy tới chạy lui rất cực khổ. Nhiều lần bị rượt, sợ bị giữ đồ đạc, tui quăng đại vô nhà người ta, bị chửi hoài”.

Vừa nói chị vừa chỉ tay qua những vị trí trước đây từng ngồi: “Có thời điểm phải chuyển chỗ 3- 4 lần/ngày, sáng ngồi ở kẹt rào, hửng nắng dời lại gốc cây bồ đề, trưa qua vỉa hè bên kia lộ, 3- 4 giờ chiều thì dời lại bên này. Bởi vậy, lúc được UBND Phường 1 sắp xếp cho bán, tui mừng còn hơn trúng số. Nhưng tiếc là mới ổn định được chừng một năm thì mới đây không được bố trí chỗ bán nữa”.

Sau khi bị giải tỏa, mấy chị em thu gọn đồ đạc ra vỉa hè các tuyến quanh công viên bán tạm. Gặp chúng tôi, chị Trần Thị Mỹ Trang- người thân với chị Lan buồn buồn: “Giờ mỗi ngày phải dời tới dời lui mấy lần, bán đâu có được bao nhiêu”.

Chị Trang cho biết thêm, mấy chị em bán vỉa hè hơn chục năm rồi. Nhờ vậy mới lo được cho cả nhà chục người lớn nhỏ. Giờ mua bán bấp bênh vầy lo lắm, không bán thì chưa biết làm gì. Mong là sắp tới được sắp chỗ ổn định hơn.

Ông Hoàng Minh Khanh- Phó Chủ tịch UBND Phường 1 nói: Phường có một số tuyến đường được chủ trương thành phố sắp xếp tạm thời để người dân mua bán (có quy định thời gian cụ thể) như: vỉa hè các đoạn đường 19 Tháng 8, Nguyễn Đình Chiểu (chợ đêm Phường 1), Nguyễn Văn Nhã, Đoàn Thị Điểm (chợ ẩm thực đêm), vỉa hè đường Nguyễn Thị Út (bán cây cảnh, chim kiểng) và vỉa hè đường Lê Lợi (đoạn ngang Quảng trường TP Vĩnh Long).

Những chỗ này được quản lý, thu hoa chi, mặt bằng (nộp ngân sách và chi cho tổ hoạt động). Trong đó, ổn định nhất phải kể đến chợ đêm Phường 1. Riêng đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hưng Đạo Vương (khu vực quanh Công viên TP Vĩnh Long) thì từ cuối năm 2012, thành phố chủ trương bố trí tạm để các hộ mua bán (khoảng 30 hộ bán nước giải khát, gỏi cuốn, khô…).

Vừa qua, thành phố chỉ đạo các ngành khảo sát bố trí các hộ mua bán quanh khu vực này sang chỗ mới. Tuy nhiên, phường không còn chỗ bố trí nên từ giữa 11/2013 phải giải tán các hộ này.

Ngoài ra, việc mua bán chim, thú, kiểng trên đường Nguyễn Thị Út gây ô nhiễm trong thời gian qua, phường cũng đang chờ chủ trương của thành phố để bố trí địa điểm hợp lý hơn. Theo ông, thành phố cần quy định rõ chỗ nào cho bán chỗ nào không cho bán. Nhìn chung trong thời gian qua, khi được sắp xếp nơi mua bán, đa số người dân chấp hành tốt.

Cần sắp xếp hợp lý

Một người dân ở Phường 2 nói: Vỉa hè thực sự đã mang lại nguồn thu nhập cho người dân nên thay vì “ngăn sông cấm chợ” thì cần sắp xếp sao cho hợp lý, tạo điều kiện để người dân mua bán. Còn chuyện sợ xâm hại cây xanh hay sợ ảnh hưởng an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan chức năng cần tuyên truyền, quản lý chặt. Chớ đâu phải sợ này nọ rồi cấm.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long nói: Trước đây, trường hợp lấn chiếm là xử lý triệt để nhưng nhận thấy một số hộ quá khó khăn, dẹp ở đường này, họ chạy qua đường khác, nếu dẹp nữa thì họ biết chạy đi đâu?

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng có quy định về quản lý vỉa hè. Theo đó, quy định cấm sử dụng trái phép nhưng tùy theo điều kiện có thể bố trí mua bán sắp xếp tạm nhưng phải có sự đồng ý của UBND cấp tỉnh trở lên.
 
Thành phố từng giao cho ngành chức năng khảo sát một số vỉa hè có thể sắp xếp mua bán. Đồng thời, có ý định tham mưu UBND tỉnh đồng ý bố trí vỉa hè một số tuyến đường để người dân mua bán nhưng một số thành viên HĐND không đồng tình. “Trước đây, tôi đã đi tham quan học hỏi ở một số tỉnh thành, trong đó có Đà Nẵng thực hiện tốt nhờ có chủ trương từ trên xuống”.

Một vị lãnh đạo khác chia sẻ: Để giải quyết nhu cầu mua bán của người dân, trước mắt, sẽ nhắc nhở, tạm thời bán trong vạch trắng (trước đây chỉ cho đậu xe tạm thời) và “chỉ cho bán buổi sáng, không được lấn chiếm và giữ trật tự, vệ sinh”.


Được bố trí chỗ mua bán, thu nhập người dân ổn định hơn.
(Ảnh chụp ở vỉa hè đường Lê Lợi- Phường 1).

Ông Trần Kiến Thức- Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị nói: Hướng tới sẽ tăng cường kiểm tra xử lý. Đối với những hộ có nhà mặt tiền mua bán lấn chiếm thì nên kiên quyết. Số còn lại có nhu cầu mua bán mưu sinh thì cần có giải pháp bố trí. Phó Chủ tịch UBND Phường 2 Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Cần bố trí nơi người dân mua bán thuận lợi, dễ dàng, không nhất thiết phải bố trí tập trung nhưng không phù hợp.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng “cứ đuổi, cứ chạy và… cứ bán”, cần có phương án sắp xếp hợp lý, quy định rõ ràng đoạn phố, con đường nào hàng rong được phép mua bán. Đoạn nào không được hoạt động hoặc cấm hoạt động vào những giờ nhất định để tránh ùn tắc giao thông. Việc này nhằm tạo điều kiện để người dân kiếm sống chính đáng bằng sức lao động của mình. 

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long:

Trước đây, lấn chiếm là xử lý triệt để nhưng nhận thấy một số hộ quá khó khăn… Bộ Xây dựng có quy định về quản lý vỉa hè. Theo đó, quy định cấm sử dụng trái phép nhưng tùy theo điều kiện có thể bố trí mua bán sắp xếp tạm nhưng phải có sự đồng ý của UBND cấp tỉnh trở lên.

Chú Nguyễn Tuấn Long (Phường 1- TP Vĩnh Long):

 


Việc Nhà nước cấm mua bán vỉa hè là nhằm tạo mỹ quan cho thành phố. Tuy nhiên, vì sinh sống người dân cũng cần mua bán.

Vì vậy, Nhà nước cần sắp xếp chỗ mua bán hợp lý, đảm bảo người dân có thể mua bán được. Khách quan mà nói thì cũng có một số người mua bán lấn chiếm quá đáng hoặc không giữ vệ sinh, nếu cho bán thì cần quản lý kỹ. Nói chung, việc giữ gìn mỹ quan, trật tự đô thị với nhu cầu mua bán vỉa hè để mưu sinh của người dân cần phải dung hòa.

Chú Nguyễn Công Răng (Phường 1- TP Vĩnh Long):

Người dân bán vỉa hè cũng vì cuộc sống nghèo khó. Nếu mình không cho bán nữa thì không biết họ phải làm gì để sống? Theo tui, nên sắp xếp cho bán nhưng không nên cái nào cũng bố trí vào khu mua bán tập trung. Tốt nhất là nên cho bán vỉa hè nhưng sắp xếp sao cho gọn, quản lý chặt để chừa lối cho người đi bộ.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN