Vay vốn online bằng dữ liệu định danh

Cập nhật, 10:54, Chủ Nhật, 13/08/2023 (GMT+7)
Khách tham quan trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của Agribank.
Khách tham quan trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của Agribank.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định cho phép tổ chức tín dụng triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân.

Từ ngày 1/9, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng sẽ có hiệu lực.

Trong đó, NHNN bổ sung quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng, thúc đẩy các ngân hàng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ vào hoạt động cho vay.

Rút ngắn quy trình, thủ tục

Theo đó, khách hàng khi vay tiền không phải đến ngân hàng làm thủ tục. Thông tư 06 quy định việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay (thẩm định và quyết định cho vay, giải ngân) bằng phương tiện điện tử...

Các tổ chức tín dụng sẽ tự quyết định đầu tư các giải pháp công nghệ để hỗ trợ hoạt động cho vay. Để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC, NHNN quy định cho phép tổ chức tín dụng triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực
điện tử.

Theo ghi nhận, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã ứng dụng công nghệ, số hóa vào sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ cho vay.

Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Việt Nam (Agribank) ứng dụng giải pháp cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng (qua hệ thống thu nợ tự động); áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản bảo đảm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ứng dụng eKYC từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng...

Hoạt động cho vay cũng được triển khai trên nhiều kênh giao dịch khác nhau tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) như app MBBank, Biz MBBank... hay liên kết với hệ thống của bên thứ 3 như Mcredit.

Tính năng của Biz MBBank còn cho phép doanh nghiệp (DN) đăng ký cấp hạn mức tín dụng trực tuyến và nhận kết quả phê duyệt trong thời gian ngắn, giúp các DN siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn linh hoạt và nhanh chóng hơn.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là tệp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp không giấy tờ hồ sơ, chi phí thấp.

Giải ngân trực tuyến

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính tới cuối quý II, số lượng người dùng của nền tảng ngân hàng số VPBank NEO đạt 7 triệu khách hàng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, riêng khối khách hàng cá nhân ghi nhận thêm gần 2 triệu khách hàng, nâng tổng số khách hàng của khối lên gần 10 triệu người.

Đối với cho vay bằng phương thức điện tử tại VPBank, các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng DN trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến đã được triển khai.

Khách hàng cá nhân có thể làm thủ tục vay mua xe ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút; cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin, nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến. VPBank cũng cài đặt các luồng nguyên tắc xử lý phê duyệt hồ sơ trực tuyến.

Ông Hoàng Trọng Hiếu- Giám đốc cao cấp bộ phận phát triển kinh doanh- khối khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho hay ngân hàng đã hoàn thiện các tính năng trên ngân hàng số để đáp ứng toàn diện nhu cầu nguồn vốn nhanh.

Việc bổ sung các tính năng phát hành bảo lãnh, giải ngân online, hạn mức cho vay phê duyệt trước có điều kiện trên nền tảng ngân hàng số Techcombank Business hay các gói tài trợ cá nhân hóa theo nhu cầu và trải nghiệm khách hàng tạo điều kiện cho DN tiếp cận nhanh nguồn vốn lưu động. 

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh- Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, NHNN quy định thống nhất của NHNN sẽ góp phần chuẩn hóa, mở rộng phương thức này để góp phần đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Quy định cụ thể trong Thông tư 06 của NHNN được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých đối với hoạt động cho vay online của ngân hàng thương mại, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.

VY ANH (theo NLĐO)