Truyện ngắn: Nỗi lòng của mẹ

Cập nhật, 07:44, Chủ Nhật, 12/05/2024 (GMT+7)
THỦY NGUYỄN

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Cúc đẩy chiếc xe ba gác tự chế nhỏ vào cổng lúc trời đã tối nhá nhem. Căn nhà cấp bốn liêu xiêu nằm cuối con ngõ nhỏ lúc này đã bắt đầu chìm trong bóng tối nhập nhoạng. Cửa sút bản lề, kêu lên kẽo kẹt theo mỗi chuyển động dù gượng nhẹ nhất.

Lúc lướt qua bậc thềm, chị cố gắng nhẹ tay ghìm lại chiếc xe không cho nó tạo ra tiếng động lớn. Trên gương mặt giàn giụa mồ hôi của người phụ nữ lam lũ hiện lên một nụ cười, gắng bước nhanh hơn để vào nhà.
 
Mẹ chồng chị là bà Tân, bị bệnh nằm liệt giường đã lâu, mọi việc từ vệ sinh cá nhân cho đến ăn uống đều trông chờ vào bàn tay của chị. Từ tờ mờ sáng, chị đã dậy lọ mọ cơm nước sẵn sàng cho một ngày dài mưu sinh. Chờ mẹ chồng dậy là chị giúp bà vệ sinh cơ thể, sau đó đút cơm rồi cho uống thuốc cữ sáng, sau đó lại tất tả rong ruổi cả ngày với chiếc xe cà tàng. 
 
Bà Tân chỉ bị liệt phần dưới cơ thể, hai tay tuy run rẩy nhưng nếu cố hết sức vẫn có thể tự mình xúc cơm hay uống nước. Thế nhưng chỉ cần có mặt ở nhà, chị chưa bao giờ để bà tự tay làm.
 
Bởi vì thường xuyên đi làm cả ngày, cho nên cơm sáng được chị nấu chia làm hai phần. Một phần chị để dành cho con trai, phần còn lại được úp trong chiếc lồng bàn tre, bày cạnh bình nước trên bàn nhỏ sát chân giường. Mẹ chồng chị tới bữa trưa chỉ cần vươn tay đã vừa tầm với, thế là có thể ăn uống qua bữa để chờ chị về vào sẩm tối.
 
- Mẹ ơi! Hôm nay con có thứ này ngon lắm. Con nấu cháo cho mẹ nhé?
 
Bà Tân nhướng đôi mắt mờ đục của mình, cố gắng mãi vẫn không nhìn ra thứ được chứa trong túi bóng kia là gì. Bà chỉ chép miệng càm ràm:
 
- Cô vẽ chuyện thế làm gì? Cơm nước như bình thường chẳng phải tốt lắm rồi ư? Học đâu cái thói tiêu xài hoang phí. Tôi nói rồi! Sao cô lỳ lợm thế nhỉ? Đuổi đi bao nhiêu lần vẫn cứ trơ mặt ra. Cô mà đi, tôi thắp hương lạy giời lạy Phật…
 
Tiếng lầm bầm không đủ hơi sức kia lọt vào tai Cúc, tuy nội dung lõm bõm nhưng cũng đủ để chị nhận ra mẹ chồng đang mắng mình. Chị cũng không giận, ngược lại giọng càng mềm mỏng hơn:
 
- Hôm nay con đi lên phố huyện dọn dẹp nhà cho người ta, được cho mấy con chim bồ câu mới ra ràng. Nghe người ta nói cháo chim bồ câu bổ dưỡng lắm, nên con đem về nấu cháo cho mẹ với bé Khang này.
 
Chị gọi mẹ ngọt xớt, dù đứa con dâu như chị vẫn chưa có được một lễ cưới hỏi đàng hoàng. Chị không phải là đứa con dâu mà bà lựa chọn.
 
Mặc cho tiếng lầu bầu phản đối của bà Tân, chị vẫn nhẫn nại lau dọn sạch sẽ cơ thể và chỗ nằm cho bà, sau đó mới xuống chái bếp nhỏ bắt đầu nấu nướng. Chị rửa thịt chim bồ câu với ít muối và rượu trắng. Chai rượu với phần thủy tinh ố vàng này là thứ mà chồng chị để lại trước khi vào tù, hai ba năm nay vẫn không được đụng đến. Chị rót mớ chất lỏng cay nồng trong chai lên những thớ thịt đỏ hồng, mỉm cười khi nhận ra một tác dụng tốt của rượu. Ấy vậy mà chị từng ghét cay ghét đắng thậm chí căm thù nó, vì chính nó làm cho gia đình chị tan nát, làm con trai chị từ khi sinh ra đã không được nhìn thấy mặt cha.
 
Anh Tuấn chồng chị là một người đàn ông hiền lành. Ngày mới quen chị, anh chưa hề đổ đốn như vậy. Nhưng từ sau biến cố làm ăn thua lỗ đã khiến anh sa đà vào men rượu. Chị khi ấy vẫn còn là người yêu của anh, vì tình yêu mà bỏ qua sự ngăn cấm của gia đình, rời miền Tây theo anh lên xứ này làm dâu.
 
Chị vẫn nhớ như in, ngày chị về ra mắt thì bà Tân đã nói thẳng là không chấp nhận chị làm dâu. Mẹ chồng chị người gốc Bắc. Anh Tuấn là con trai một của bà, cho nên dù bà có ngăn cấm cách mấy cũng không lay chuyển được quyết tâm của anh. Vì vậy, chị vẫn trở thành con dâu bà dù không cưới hỏi.
 
Ngày anh Tuấn sa vào lao lý vì mang tội giết người mà nguyên nhân cũng từ rượu, chị cảm thấy đất trời như sụp đổ. Mang trong mình đứa con vừa tượng hình, một tay chị cáng đáng việc nhà lại còn phải chăm sóc cho mẹ chồng đang gần như nằm liệt giường vì tai biến sau cú sốc ấy.
 
Bà vẫn chửi mắng chị, kèm theo đó là đuổi xua cay nghiệt. Thế nhưng quãng thời gian ấy chị làm như tai mình ngơ điếc. Cái cử động của sinh linh bé nhỏ trong bụng vực chị dậy từ nỗi đau to lớn ấy. Không còn chồng bên cạnh, nhưng vẫn còn con anh cùng mẹ già yếu ớt cần chăm sóc.
 
Chị từ bỏ công việc bảo mẫu trong trường mầm non với thu nhập ít ỏi vốn có, bắt đầu chuỗi ngày lăn xả kiếm tiền: thu mua ve chai, làm người giúp việc nhà theo giờ. Hễ công việc nào kiếm ra tiền là chị vơ vào người không biết mệt mỏi. 
 
Bé Khang đã ra đời trên chính chiếc xe ba gác cũ này, dưới sự giúp đỡ của những người qua đường nhiệt tâm. Chị cùng con nằm trong bệnh viện trong ngày sinh nở nhưng trong lòng vẫn cứ canh cánh về mẹ già ốm yếu trong căn nhà cũ kỹ. May mà còn xóm giềng sang phụ đỡ một tay, chị mới đỡ lo đôi phần.
 
Rồi từ đó đến nay, cũng đã hơn 2 năm, ba con người nhỏ yếu dặt dẹo ấy nương tựa nhau sống dưới mái nhà này. Mẹ chồng vẫn không ngừng mắng đuổi, chị lại thản nhiên như cảm thấy việc đó quá đỗi bình thường.
...
Cúc nướng vài củ hành khô cùng một củ gừng nhỏ, thả vào nồi nước dùng, chừng hơn mười phút thì chín. Chị xé chiếc đùi chim bồ câu đầy ắp thịt, trên môi nở một nụ cười nhẹ. Chắc là bé Khang sẽ thích lắm!
 
Thằng bé với cái hàm răng chưa mọc đủ kia rất thích mấy món thịt thà ăm ắp như thế này. Bao giờ bữa cơm nhà có thịt, cái miệng bi bô kia sẽ ca hát không ngừng. Những giai điệu và lời bài hát chỉ có cu cậu mới hiểu, nhưng đủ sức làm cho lời mắng mỏ của bà Tân nhỏ lại. Mái nhà nhỏ của họ lại sẽ chìm trong hạnh phúc bình yên mà nhỏ bé ấy.
 
Múc một chén cháo to ra bát, chị khuấy cho nguội rồi đút cho bà Tân. Bà cụ dù không từ chối nhưng luôn miệng chê cháo tanh, không muốn ăn nhiều.
 
Bước ra sân sau kéo nước giếng đổ đầy vào mớ chum vại để còn giặt giũ, Cúc nhận ra trời đã khá tối, loa đài trong xóm đã tắt từ lâu. Phải nhanh tay, vì chị còn phải sang nhà cụ Hoạch bên cạnh đón con trai về.
 
Bé Khang nhà chị năm nay gần 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể đến trường mẫu giáo như chúng bạn. Nguyên nhân một phần là vì chi phí học mầm non ở đây khá đắt đỏ, thu nhập bấp bênh của chị không đủ trang trải thêm khoản tiền hơn triệu bạc mỗi tháng để con được đến trường. Phần còn lại là vì chị hay đi sớm về muộn, thời gian đón con rất trễ. Giống như hôm nay, phải gần 7 giờ tối chị mới có thể đến đón con về.
 
Cụ Hoạch tuổi cũng gần bằng mẹ chồng chị, nhưng sức khỏe vẫn tốt. Cụ có một người con dâu tên Thi đang chăm con nhỏ, thấy hoàn cảnh bé Khang mỗi ngày lẽo đẽo theo mẹ rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm thì không đành lòng, nên chị Thi ngỏ ý muốn bé Khang mỗi ngày sang chơi cùng con chị.
 
Cúc biết ý tốt của mẹ con cụ Hoạch, ban đầu cũng từ chối vì ngại, nhưng sau đó vì thương con mà cũng đồng ý. Chị thấy họ nói đúng. Con của chị không được bụ bẫm mạnh khỏe như những đứa trẻ khác, đem nó theo bên mình dang nắng, dầm mưa thì tội!
Chị cũng không hề lợi dụng lòng tốt của mẹ con người hàng xóm, bao giờ cũng chuẩn bị thức ăn và chút sữa cho con mang theo, thỉnh thoảng cũng nhín chút tiền biếu cụ Hoạch ký thịt hay cân đường. 
 
Vừa bước qua nhà hàng xóm đã thấy chị Thi ngồi xổm ngoài hiên với đôi mắt đỏ hoe, thấy Cúc tới thì quẹt vội nước mắt, cười ngượng ngùng.
 
- Sao vậy chị Thi?
 
- Không có gì! Chị…
 
Giọng chị Thi khàn vỡ, hẳn là đã khóc một lúc lâu nhưng sợ mẹ phát hiện phải lánh ra ngoài này. Trong phòng vang lên tiếng hai đứa nhỏ cười đùa, hai người phụ nữ đều im lặng nhìn về phía ấy.
 
Thấy chị Thi không muốn nói, Cúc cũng không gặng hỏi nữa, chỉ bước vội vào phía trong dắt con trai ra về. Bước qua thềm gạch dưới hiên, chị Thi đột ngột lên tiếng:
 
- Có lẽ chị sắp ly hôn với bố của bé Xuân rồi!
 
- Sao vậy chị?
 
- Anh ấy… có nhân tình bên ngoài, ngay chỗ… công ty đang thi công. Người ta… có thai rồi!
 
- Chồng chị đề nghị như vậy sao?
 
- Không phải! Là cô ta đã đánh tiếng như vậy. Chị, chị cũng hỏi anh Đàn. Anh ấy… không chối, chỉ im lặng. Nghe bảo cô ta mang thai con trai, mà mẹ chồng chị…
 
Cúc hiểu rõ câu nói bỏ lửng này, còn chị Thi thì nấc lên vùi đầu vào hai gối ngăn lại tiếng khóc xé lòng.
 
Anh Đàn chồng chị là kỹ sư cầu đường, quanh năm rong ruổi ngược xuôi tứ xứ để theo kịp tiến độ công trình, chỉ cuối tuần hay lễ Tết mới được nghỉ đôi ngày cùng vợ con. Cũng vì vậy mà từ khi chị Thi sinh nở, anh đành gửi gắm cho mẹ ruột trông nom. 
 
Cụ Hoạch là một người mẹ chồng tốt, đối xử với con dâu cũng rất chan hòa. Chỉ là đôi lần nhìn bé Khang chạy nhảy ngoài sân cùng cháu nội mình, bà lại chép miệng tiếc rẻ:
 
- Ước chi Xuân là một đứa bé trai, nhà họ Trần sẽ có người nối dõi tông đường.
 
Sở dĩ bà tiếc rẻ như vậy, vì khi chị Thi sinh ra bé Xuân đã gặp biến chứng phải phẫu thuật, sau này không có khả năng sinh thêm em bé. Giờ này nghe chiều hướng câu chuyện như vậy, Cúc biết tương lai chị Thi sẽ tràn ngập bi ai. Chỉ mong sao anh Đàn vẫn còn bản lĩnh và trách nhiệm của một người đàn ông, sẽ biết quay đầu.
 
Dù chỉ gặp mặt vài lần, nhưng Cúc có ấn tượng rất tốt với anh Đàn. Kiểu người có ăn học, nho nhã và lễ độ, kinh tế ổn định lại hiếu thảo với mẹ vợ và chu đáo với vợ con. Chị Thi từng là người mà Cúc ngưỡng mộ vô cùng. Vậy mà…
 
- Em không biết nói làm sao, nhưng em nghĩ chị cần bình tĩnh suy xét và làm rõ chuyện này. Thái độ của anh Đàn trong chuyện này rất quan trọng. Nếu anh ấy muốn quay về, chị tính thế nào?
 
- Chị… không biết!
 
- Mẹ bé Khang! Cô sao thế?
 
Tiếng gọi của mẹ chồng kéo Cúc từ trong suy tư trở lại hiện thực. Chị hoảng hồn nhận ra trong lúc thẫn thờ đã để cháo giay ra quần áo và xung quanh miệng của con. Bé Khang vẫn cười khanh khách khi chị dùng khăn ẩm lau mặt mũi cho bé.
 
- Này! Cầm lấy!
 
Tấm sổ bìa đỏ rơi vào lòng chị Cúc, chị cầm lên nhíu mắt nhìn cho rõ.
 
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Sao mẹ đưa cho con?
 
- Đưa cho cô để cô có việc gì cần thì dùng. Có thể thế chấp vay một số tiền, thuê một ki ốt đầu ngõ buôn bán gì đấy cho ổn định. Chắc không còn gửi bé Khang bên bà Hoạch được bao lâu nữa.
 
- Sao vậy ạ?
 
- Chị Thi ra tòa chuẩn bị ly hôn với anh Đàn rồi! Nay mai chị ấy sẽ cùng con gái chuyển về quê sống cùng mẹ ruột.
 
- Vậy…?
 
- Là chị ấy muốn. Nhưng tôi nghĩ do bà Hoạch ép thôi, chứ anh Đàn cũng không tệ bạc tới mức đó. Cái bà ấy! Già cả lú lẫn hết rồi! Sao có thể vì một con dẩm dơ mà bắt anh Đàn bỏ vợ? Cháu nào cũng là cháu, thời nào rồi mà còn cổ hủ như thế!
 
Cúc lặng người. Thì ra chuyện chị lo lắng đã trở thành sự thật.
 
Chưa từng trải qua cảm giác bị phản bội, nhưng Cúc có thể tưởng tượng ra nó đau đớn cho người vợ đến nhường nào. Họ có thể phẫn nộ, oán trách, thậm chí căm thù muốn bung bét tất cả lên để trả đũa. Nhưng họ đã làm mẹ. Rồi đứa con bé bỏng sẽ là chiếc neo kéo con tàu đang giằng xé trong sóng gió kia khựng lại. 
 
Nhưng rồi có vị tha, bao dung cách mấy cũng không thể níu giữ khi có một người chồng đoạn nghĩa cùng áp lực từ gia đình chồng. Họ muốn cháu trai, chị Thi không thể cho. Thế nên chị đành phải là người nép bên lề, nhường chồng cho một người phụ nữ khác
.
Quẹt đôi mắt ươn ướt, chị thu dọn chén đũa rồi ngồi xuống cạnh mẹ chồng.
 
- Cháu trai nối dõi tông đường quý giá như vậy, sao hồi đó mẹ còn đuổi con đi làm gì? 
 
Bà Tân nghe chị trêu thì cảm thấy ngượng ngùng, bà húng hắng ho rồi quay đi.
 
- Bây giờ tôi vẫn đuổi đấy! Cô đi thì càng tốt! Bế luôn con cô đi lại càng tốt! Đi cho khuất mắt, cho tôi bớt nhọc lòng!
 
- Không được, vậy thì con càng phải ở lỳ. Mẹ không còn bạn tâm sự, nếu không có con để mắng nữa thì sẽ buồn miệng lắm! 
 
Đổi lại câu đùa này là một tràng mắng nữa của bà Tân. Chị Cúc bê chén bát đi dọn, trên môi nở nụ cười nhẹ, đôi mắt rưng rưng. Chị nhớ đến cuộc nói chuyện giữa mẹ chồng và cụ Hoạch mà mình vô tình nghe được từ rất lâu. 
 
Bởi vì cụ Hoạch thấy chị tần tảo sớm hôm lại sinh cháu trai đích tôn mà vẫn bị mắng đuổi suốt ngày nên mới nói đỡ cho chị vài câu, khuyên bà Tân nên đối xử tốt với chị. Chị không quên, lúc ấy mẹ chồng chị mân mê chiếc khăn len chị mới mua cho, thở dài nói:
 
- Bà đâu biết, tôi đuổi nó đi không phải là ghét nó. Từ lâu tôi đã xem nó như con cái trong gia đình. Ngặt nỗi ngày xưa tôi muốn giữ mặt mũi nên không thừa nhận. Ai biết được con trai tôi lại lâm vào cảnh đó. Con Cúc còn trẻ như thế, sao bảo nó chịu cảnh khổ một mình nuôi con, lại kèm thêm của nợ là bà già chết dở như tôi được? Tôi ở góa bao năm nuôi thằng Tuấn, tôi biết sẽ tủi cực nhiều như thế nào, bà ạ!
 
Bởi thế cho nên, ở những ngày gian khổ nhất, sự đuổi xua mắng mỏ của mẹ chồng chỉ khiến chị càng thêm kính trọng và thương bà. Vì bà chỉ muốn bù đắp và cho chị một tương lai tươi sáng hơn mà thôi...
 
 
 
Các tin khác: