Món ngon 3 miền

Đi hái nấm mối về nấu cháo bò

Cập nhật, 14:07, Thứ Ba, 29/06/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Khi những cơn mưa dầm của tháng 5 âm lịch rơi xuống lòng đất, cũng là lúc bà con miền Tây quê tôi chuẩn bị thu hoạch nấm mối.

Nấm mối là loài nấm chỉ có trong môi trường tự nhiên, xuất hiện ở những nơi có con mối sinh sống, làm tổ. Mối ở đây là loại mối đất chứ không phải mối sống trên cây. Tổ mối đất màu trắng hoặc ngả vàng, nằm ẩn trong lòng đất khoảng 1-2 gang tay.

Khi trời mưa dầm kéo dài nhiều ngày, loại mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ. Đến khi trời nắng ấm, nấm từ những nơi này sẽ mọc lên thành từng đám, nhìn rất mê mắt. Nấm mối có thân màu trắng, gốc hơi ngả vàng, hương dịu nhẹ của men mối.

Mặt trong của nón nấm màu trắng, mặt ngoài màu xám nhạt và có độ trơn nhất định. Nếu muốn biết chắc chắn đó có phải nấm mối hay không thì chỉ cần đào khoảng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy có mối đất sinh sống thì chắc chắn đó là nấm mối.

Đi hái nấm mối hồi hộp như đi canh ăn trộm vậy. Có người, từ 4 giờ sáng đã thức dậy cắp rổ đi hái nấm vì lúc này, nấm còn búp, giá trị dinh dưỡng rất cao so với nấm đã bung nón. Nấm mối có tính phản quang, khi rọi đèn pin tới là phát sáng.

Người đi nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì nấm (đúng hơn là mối) nghe hơi dao sắt thì mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa. Nấm mối trồi lên mặt đất vào sáng nhưng cũng đôi khi, lúc chiều quay lại điểm cũ vẫn xuất hiện nhiều tai nấm khác.

Theo dân gian, ai “nặng vía” không thể nào tìm được một cây nấm mối, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được cả rổ đầy (đây còn gọi là duyên, lộc trời). Nấm mối thường mọc lại hay mọc xung quanh nơi mà năm trước đã có nên rất dễ để bà con đánh dấu địa điểm.

Nấm mối ngon, có giá trị dinh dưỡng cao nên chế biến bất kỳ món ăn nào cũng tuyệt: đổ bánh xèo, nấu canh, nướng lá lốt, xào tỏi, kho nước tương.... Ngoài ra, để giải cảm cho người bệnh, các bà nội trợ còn nấu món cháo bò nấm mối.

Rất là ngon ngọt đấy. Cũng giống như cách thức nấu những món cháo khác, nhưng có vài điểm cần lưu ý. Cháo trước khi nấu phải rang gạo cho vàng thơm (để tránh ra nhựa), rồi đem ngâm nước.

Gạo nấu cháo phải là gạo nở mới ngon (nói theo dân gian là hạt gạo nở tét nồi), vì gạo dẻo thường gây cảm giác ngậy.

Cháo nấm mối phải thật lỏng để người bệnh dễ húp nước, từ đó mới cảm nhận hết vị ngọt tứa ra từ cây nấm mối.

Khi nấu cháo sắp nhừ, cho nấm mối đã rửa sạch, chẻ làm đôi vào nồi. Đồng thời cho thịt bò xay nhuyễn vào luôn.

Nấm và thịt bò chín rất nhanh, nên khi cháo sôi, nêm nếm vừa miệng thì có thể tắt bếp, đừng quên thả ít gốc hành tươi và tiêu xay.

Chỉ cần bưng tô cháo bò nấm mối nóng hổi đưa lên ngửi thôi cũng đã đủ kích thích vị giác rồi. Mùi thơm dịu của nấm, thơm ngọt của hạt gạo rang và hương cay nồng của tiêu hành nó làm ta muốn dùng ngay.

Húp một muỗng cháo nấm, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của nấm hòa quyện của vị ngọt đậm của thịt bò, cũng như vị béo nhẹ của tinh bột gạo.

Nấm mối dai, mềm, cứ nhai đến đâu là vị ngọt thanh tứa ra đến đấy. Cái vị ngọt rất lạ không thể nào cảm nhận hết được.

Người đang cảm dùng, mồ hôi nhễ nhại khắp cơ thể khiến cho việc khỏi bệnh sẽ nhanh hơn, hồi phục sức khỏe cũng mau hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH VŨ

Các tin khác: