Quốc hội khóa XIV: Thành công nhưng vẫn cần đổi mới tư duy xây dựng luật

Cập nhật, 18:28, Thứ Sáu, 09/04/2021 (GMT+7)

Nhiệm kỳ 2016-2021 Quốc hội Khoá XIV thành công trên nhiều phương diện, tuy nhiên vẫn cần sự đổi mới tư duy trong xây dựng luật.

GDP của Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô luôn giữ ổn định, đời sống sáng vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khoẻ của người dân không ngừng được nâng cao. Nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ rất thành công trên tất cả các phương diện. Đó là đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội.

Quy định thời gian chất vấn và trả lời chất vấn nâng tầm ĐBQH

Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM đánh giá cao phương pháp họp trực tuyến của Quốc hội bởi sự linh hoạt, tiết kiệm nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao được thực hiện rất tốt vào thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp.  

Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM.

“Có thể chia ra làm hai giai đoạn, trong đó có giai đoạn làm việc những nội dung có thể họp thảo luận trực tuyến. Như vậy, giai đoạn họp trực tiếp sẽ rút bớt, mang lại hiệu quả cao.

Triển khai phương pháp họp như vừa qua, tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội sẽ hiệu quả và thành công”, đại biểu Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Trong 5 năm nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua được 73 Đạo luật, 18 Nghị quyết và rất nhiều pháp lệnh, nghị quyết khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đây là một khối lượng công việc rất lớn. Cùng với đó, công tác giám sát, phương thức giám sát được đổi mới, cải tiến và có căn cơ bài bản hơn. Điều này không chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện nay mà còn là chiến lược, từ đó có giải pháp cho thời gian sắp tới giải quyết các vấn đề của xã hội.

Theo đại biểu Trần Kim Yến, đoàn TPHCM, việc tranh luận trên nghị trường cũng có những chuyển biến tích cực, tạo sự tin tưởng lớn của nhân dân. Nếu trước đây Quốc hội tham luận thì nay đang từng bước chuyển sang Quốc hội tranh luận. Điều này thể hiện rất rõ trong các phiên họp của Quốc hội.

Đại biểu Trần Kim Yến lúc đầu cũng rất băn khoăn khi thấy nếu hoạt động chất vấn chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy thì làm sao đại biểu có thể chuyển tải hết được những mong muốn của cử tri, những vấn đề của xã hội đến với các bộ trưởng, cũng như sao có đủ thời gian để Bộ trưởng chuyển tải hết được những việc mà các bộ đã làm.

“Thế nhưng rõ ràng yêu cầu như vậy đặt ra cho đại biểu phải nghiên cứu thật kỹ, chắt lọc được những nội dung chuyển tải, làm sao nêu được những vấn đề bức xúc của xã hội và kiến nghị, phản ánh của cử tri. Các bộ trưởng trả lời cũng đi thẳng, nắm sâu và trả lời ngắn gọn trước Quốc hội.

Điều này đã giúp dần nâng cao kỹ năng cho đại biểu và cả các bộ trưởng phải trả lời được đúng, trúng những vấn đề, không lan man không báo cáo thành tích”, đại biểu đoạn TPHCM nhấn mạnh.

Hài hòa giữa luật chung và luật chuyên ngành

Bên cạnh gam màu sáng, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều đại biểu cũng chia sẻ những trăn trở, gửi gắm kỳ vọng về những đổi mới của Quốc hội, Chính phủ thời gian tới, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng mong muốn Quốc hội, Chính phủ thời gian tới cần tập trung khắc phục một số tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật.

“Có những dự thảo luật trình sang Quốc hội quá gấp, gấp đến mức còn 2 ngày là Quốc hội thảo luận, mới có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội.

Do đó sự góp ý cũng vội, nghiên cứu có khi chưa sâu, cặn kẽ. Về mặt quy trình, thủ tục như vậy là chưa thực sự tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu đoàn Hải Phòng nêu ví dụ.

“Trong nhiệm vụ quản lý nhà nước, một số cơ quan, bộ, ngành còn chưa coi trọng đúng mức khâu xây dựng chính sách, xem như đấy là việc cần làm nhưng chưa bức xúc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế là khâu đột phá chiến lược và phải làm trước, nhưng một số ngành chưa coi trọng nhiệm vụ này và thường giao việc xây dựng, soạn thảo chính sách cho cấp vụ, rồi cuối cùng cũng vun đắp thành cái khung gửi lên Chính phủ”, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật

Còn theo đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai, cụm từ chuyển đổi số được nhắc đến như một từ khóa xuyên suốt năm 2020. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, sự năng động của đội ngũ doanh nhân, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy quá trình chuyển đổi số ở nước ta đi nhanh hơn.

Trong bối cảnh này, Quốc hội, Chính phủ có lẽ phải có những chuyển động phù hợp hơn khi thực hiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Quốc hội đã tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiệm kỳ khóa XIV.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, có thể giải đáp rất nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng pháp luật. Khoa học, công nghệ được sử dụng như một công cụ để “chẩn bệnh”, xác định những vấn đề cần được tháo gỡ, khắc phục khi xây dựng một dự luật mới.

Tất nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng pháp luật không chỉ ở Quốc hội.

“Với vai trò là chủ thể chính chuẩn bị, trình các dự án luật, Chính phủ cũng phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu, quy trình thuộc trách nhiệm của mình”, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định./.

Theo Ngọc Thành-Vân Anh-Hoàng Lê/VOV.VN