Xây dựng chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới

Cập nhật, 07:30, Thứ Tư, 10/12/2014 (GMT+7)
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944/ 22-12-2014 và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-2014), sáng 9-12, tại trụ sở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “70 năm xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Tham dự buổi tọa đàm có các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT, nhà khoa học, nhà văn hóa trong và ngoài quân đội như: Trung tướng, TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng; Trung tướng Hoàng Bằng, Chính ủy Viện Khoa học-Công nghệ quân sự; Thiếu tướng, PGS,TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị); Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Đường lối học thuyết quân sự (Viện Chiến lược Quốc phòng); PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý;  GS,TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Đại tá, Thạc sĩ Cao Đình Kiếm, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá, Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Bính, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;  Đại tá Phạm Phú Bằng, nhà báo lão thành Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Dương Xuân Đống, nhà nghiên cứu văn hóa quân sự; Đại tá Phạm Quốc Hóa, Phó chính ủy Sư đoàn 312;... Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì buổi tọa đàm.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân bày tỏ niềm vui được đón tiếp các nhà khoa học, nhà văn hóa, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ… đã đến dự buổi tọa đàm đồng thời nhấn mạnh: Bộ đội Cụ Hồ từ lâu đã trở thành một danh hiệu cao quý trong xã hội. Đây không chỉ là một tên gọi thân thương do nhân dân trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành một giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những giá trị ấy đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, được nhân dân ta thừa nhận, trân trọng và tôn vinh. Mặt khác, Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu đã hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt
Nam thời đại mới.

Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở khách quan để khẳng định danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu, góp phần làm giàu thêm những giá trị văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam trong 7 thập kỷ qua.

Tham luận mở đầu buổi tọa đàm, Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Đường lối học thuyết quân sự (Viện Chiến lược Quốc phòng) khẳng định, QĐND Việt Nam luôn giữ vững bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân của chính đảng đã sáng lập ra mình, là một thực tế lịch sử không thể đảo ngược.

Bởi vậy, trong bất kể hoàn cảnh nào, đội quân đó cũng tự nguyện đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của chính đảng đã khai sinh ra mình, không bao giờ chấp nhận âm mưu “phi chính trị hóa” để biến thành công cụ chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như sự kỳ vọng hão huyền của các thế lực thù địch.

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Đường lối học thuyết quân sự (Viện Chiến lược Quốc phòng) phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Giáo sư Bùi Phan Kỳ cũng cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ phải gánh vác trách nhiệm rất nặng nề đối với Tổ quốc và nhân dân. Để hoàn thành trọng trách cao cả của mình, Quân đội ta phải chú trọng thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; làm tròn nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, xứng đáng với tình cảm, niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (TCCT) chia sẻ: Khi nói tới chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ là nói đến hệ thống những giá trị văn hóa, chính trị, đạo đức tốt đẹp, bền vững phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặt khác, những chuẩn mực ấy thể hiện trong tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành động của cán bộ, chiến sĩ và của quân đội, thông qua các quan hệ giữa quân đội với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung cho rằng, ở một góc độ khác, nói đến chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ cũng là đề cập đến những phẩm chất, lối sống, phong cách, hành vi chính trị, đạo đức của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là: Trung với Đảng; hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi tạo nên giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (TCCT) phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Hoài Trung, từ trước đến nay chúng ta nói nhiều tới Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất cao đẹp, có không ít công trình nghiên cứu về giữ vững và phát huy giá trị Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ... nhưng chưa có công trình độc lập về vấn đề chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ. Do vậy, cần thiết phải xây dựng chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ để mỗi quân nhân soi vào đó mà phấn đấu làm theo.

“Chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ hiện nay đã có những bổ sung, phát triển mới, thể hiện ở 5 chuẩn mực cơ bản đó là: Động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao; Đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; Trình độ, năng lực phương pháp, tác phong công tác tốt; Thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác nghiêm minh và Đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhân dân và đoàn kết quốc tế”, Thiếu tướng Trần Hoài Trung nói.

Khẳng định phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, Trung tướng Hoàng Bằng, Chính ủy Viện Khoa học và Công nghệ quân sự lại cho rằng, một trong những thành tố tạo nên chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay đó là sự vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao về khoa học-công nghệ trong thời kỳ mới.

“Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phải làm chủ được công nghệ mới hiện đại, đồng thời tăng cường nghiên cứu, thiết kế chế tạo ra nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật của quân đội ta”, Trung tướng Hoàng Bằng nhấn mạnh.

Trung tướng Hoàng Bằng, Chính ủy Viện Khoa học và Công nghệ quân sự.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá, Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đề cập đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thơ. 

Theo ông, Bộ đội Cụ Hồ là một đề tài lớn, trung tâm, nổi bật trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, là nguồn cảm hứng sáng tạo của các thi sĩ và được phản ánh, khắc họa sâu đậm trong các tác phẩm, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Theo Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Bộ đội Cụ Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo của các thi sĩ.

Đại tá, Nhà báo lão thành của Báo Quân đội nhân dân Phạm Phú Bằng khi phát biểu tại tọa đàm cũng khẳng định: Quân đội ta luôn chú trọng giáo dục chính trị để bộ đội biết làm tốt công tác dân vận, binh vận và địch vận, chứa đựng lòng nhân ái, khoan dung của Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến. 

Ông cũng cho rằng Bộ đội Cụ Hồ chỉ đánh tan, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù chứ không tiêu diệt đến cùng khi chúng quỵ gối đầu hàng. Đại tá Phạm Phú Bằng đã dẫn chứng một loạt bài báo của "phía bên kia" trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến; nói lên tấm lòng bao dung, đối xử nhân ái, tính nhân văn của người lính Cụ Hồ với hàng binh địch.

Đại tá, Nhà báo lão thành của Báo Quân đội nhân dân Phạm Phú Bằng nói về tính nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ đối với hàng binh địch.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương lại khẳng định, cần tập trung bổ sung những giá trị mới trên cơ sở những chuẩn mực cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ: xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân...

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương phát biểu tại tọa đàm.

Do yếu tố thời gian, có những tham luận của các nhà nghiên cứu không được trình bày tại buổi tọa đàm như của Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống; Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Cường- Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng)... nhưng đã nêu bật được quá trình phát triển, trưởng thành của người lính cách mạng, mang những nét đẹp của văn hóa nhân dân, của truyền thống dân tộc Việt Nam; hay đề cập đến nội dung chuẩn mực về bản lĩnh chính trị, động cơ, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ... Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng gửi tham luận tới buổi tọa đàm...

Đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu kết luận buổi tọa đàm.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, thay mặt ban tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn trân trọng cảm ơn các tướng lĩnh, nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… đã tham dự, gửi tham luận và phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định: Buổi tọa đàm một lần nữa khẳng định những phẩm chất, truyền thống tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ, đó là trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Thông qua buổi tọa đàm là dịp để chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, các ý kiến phát biểu, các bài tham luận đều được chuẩn bị công phu, chu đáo, chứa đựng nhiều giá trị khoa học, lý luận và có tính định hướng sâu sắc. Trong đó, khẳng định danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ nhân dân trao tặng là một danh hiệu cao quý, đầy tính nhân văn.

Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta; thể hiện sự thành công của Đảng Cộng sản Việt
Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị. Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là giá trị văn hóa quân sự cách mạng, văn hóa quân sự đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

“Buổi tọa đàm tiếp tục khẳng định những phẩm chất, truyền thống tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ, gắn với những quan điểm, lời dạy của Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thông qua buổi tọa đàm này càng làm sáng tỏ thêm nhận thức: Để bồi đắp những chuẩn mực tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội phải được làm thường xuyên; có như vậy, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ mới mãi xứng đáng là danh hiệu mà nhân dân trao tặng. Cuộc tọa đàm lần này nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân sẽ càng có ý nghĩa sâu sắc. Những ý kiến phát biểu, những nội dung tham luận trong buổi tọa đàm này sẽ được Báo Quân đội nhân dân đăng tải trên các ấn phẩm của báo, nhằm giúp đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội có thêm cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, từ đó càng thêm quý trọng, yêu mến Bộ đội Cụ Hồ...” - Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh.

Theo QĐND Online