Các chiến trường chia lửa với Điện Biên

Kỳ cuối: Đòn trời giáng cuối cùng

Cập nhật, 14:35, Thứ Sáu, 25/04/2014 (GMT+7)

>> Kỳ 2: Mười ngày Tây Nguyên rung chuyển dữ dội 
>> Các chiến trường chia lửa với Điện Biên
 

Tình hình chiến trường diễn biến đúng như nhận định, chủ trương của Đảng và Bộ tư lệnh LK5 và anh Chánh trong cuộc nói chuyện vào Thu Đông 1953.

Giờ đây, thời cơ ngàn năm có một đã đến! Không thể chậm trễ và phải hành động hết sức quyết liệt. ĐU và BTL LK5 hoàn toàn nhất trí với anh Chánh mấy vấn đề lớn: Mặt trận chính đã bước vào thời khắc mang tính quyết định.

Tất cả cho Điện Biên Phủ giành toàn thắng! xem đây là mệnh lệnh của trái tim; Đánh mạnh hơn nữa ở vùng sau lưng địch, không cho địch rút bất kỳ một đơn vị nào chi viện cho phía trước; Động viên nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để giải phóng Tây Nguyên; Chớp thời cơ thuận lợi, củng cố các đơn vị 108, 803 thật mạnh, rút các tiểu đoàn chủ lực mạnh của địa phương tăng cường cho Tây Nguyên để tập trung sức giải phóng tỉnh Gia Lai và tiếp theo là Đắc Lắc, đủ sức đánh bại các lực lượng địch tăng cường chi viện cho Tây Nguyên…

Với tinh thần đó, anh Chánh cùng Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch động viên toàn thể đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu anh dũng, táo bạo hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa với chiến trường chính ở Mặt trận Điện Biên Phủ.

điểm vòng ngoài thị trấn An Khê bị xóa sạch khiến GM100 và địch ở An Khê ngày đêm nơm nớp lo sợ. E803 vây chặt Plei-cu và phá vỡ phòng tuyến địch trên đường số 7 ở Đắc Lắc. Địch ở Plei-cu càng tuyệt vọng và đến lượt Đắc Lắc kêu cứu.

Ngày 1-5-1954, chủ động đi trước tình hình một bước và để kịp xử trí tình hình đột biến, anh Chánh có một quyết định vô cùng sáng suốt: Cho thành lập thêm trung đoàn chủ lực thứ ba, mang tên E96.

Anh rút anh Nguyễn Minh Châu (tức anh Năm Ngà, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7) E trưởng E108, một trong những trung đoàn trưởng gan dạ, mưu trí, đánh giặc giỏi nhất của LK5, về làm E trưởng E96.

Bảy ngày sau khi E96 ra đời, ngày 7-5-1954 lịch sử, ta giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Mặc dù đã kiệt sức, nhưng Na-va vẫn lệnh cho các chiến trường cố thủ tiếp tục chiến đấu, bảo toàn lực lượng, tìm thế lợi cho tình hình sắp đến.

Tin kỹ thuật của Ban Quân báo Liên khu 5 báo cho anh Chánh biết: “G100 với đội hình gần 250 xe đang nối đuôi đậu sít nhau và quay đầu hết về hướng Plei-cu. Tinh thần binh lính địch rất hoang mang…”.

Anh Chánh lập tức điện cho anh Năm Ngà E trưởng E96 bằng mọi cố gắng cao nhất, gom quân, tập họp đội hình, động viên bộ đội dốc hết tốc lực băng rừng, tổ chức trận địa phục kích diệt gọn bằng được GM100.

Một tiểu đoàn địa phương chưa về kịp trong đội hình. Hỏa lực đánh cơ giới đang trong quá trình điều động. Tình hình quá khó khăn. Anh Năm Ngà hết sức lo lắng không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

Anh Chánh phân tích: Điện Biên Phủ đã thất thủ. GM100 quay đầu về Plei-cu là đang rút chạy. Binh lính đã mất hết tinh thần chiến đấu. Một lực lượng nhỏ của ta cũng có thể đánh thắng lớn. Cần tập họp hết mọi lực lượng có trong tay, bằng mọi cố gắng hết sức mình, tổ chức tiêu diệt những chiếc xe đi đầu và khóa chặt đuôi, kiên quyết không cho một chiếc xe nào chạy thoát. Nổ súng là nhất định thắng lợi!...

Trong tay chỉ có 2 tiểu đoàn bộ binh và các đại đội pháo, cối, công binh…, anh Năm Ngà đã chọn thung lũng ở khu vực Đắc Pơ trên Đường 19, nằm trải dài phía tây chân đèo Mang Giang làm trận địa phục kích.

Quả thật, sáng 24-6-1954, GM100 bắt đầu rút chạy về Plei-cu. Khi toàn bộ đội hình GM100 lọt vào trận địa ta, ngay sau những loạt đạn pháo, cối của ta dồn dập nã trúng vào đội hình, với một lực lượng nhỏ hơn địch gấp nhiều lần nhưng hơn hẳn về tinh thần dũng cảm, mưu trí, bộ binh ta từ hai hướng bắc nam Đường 19 bất thần đồng loạt nổ súng, hô xung phong vang dậy, xông thẳng vào đội hình địch đánh giáp lá cà.

Địch không kịp trở tay, ban đầu còn chống cự quyết liệt nhưng dần dần tán loạn như ong vỡ tổ. Thấy xác đồng đội ngổn ngang, số bị thương kêu khóc, nhiều binh lính địch giơ cao súng đầu hàng.

Trận đánh diễn ra đến giữa buổi chiều, ta bắt sống tên quan năm Ba-ru chỉ huy binh đoàn. GM100 hoàn toàn bị xóa sổ.

Đây là trận đánh giao thông giành thắng lợi lớn nhất, chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương kể cả trong kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Ta bắn chết và làm bị thương tại chỗ 700 tên, bắt sống 1.200 tên trong đó có tên chỉ huy binh đoàn, thu 229 xe quân sự trong đó có 20 xe hồng thập tự mới tinh, 20 khẩu đại bác cùng nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác.

Tù binh đông đến mức không đủ dây trói. Chúng ngoan ngoãn ngồi gom lại từng đám lớn theo lệnh của bộ đội ta vì được chiến sĩ và dân công ta đối xử tử tế và còn vì chúng sợ chạy trốn sẽ lạc đường, đói rét, trúng chông, mìn bỏ mạng trong rừng.

Trước tình hình thương binh địch quá lớn, ta cho phép địch ở Plei-cu dùng máy bay, xe cứu thương có mang cờ trắng và cờ hồng thập tự đến chuyên chở đi.

Đòn sấm sét cực kỳ khủng khiếp ở Điện Biên Phủ được bồi thêm đòn trời giáng cuối cùng xuống GM100, khiến cho đội quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp gục ngã không gượng dậy nổi. Chiến thắng to lớn ở Bắc Tây Nguyên cùng với việc xóa sổ GM100, một binh đoàn cơ động hiện đại bậc nhất của quân đội Pháp, được Mỹ trang bị đến tận răng, được xem như một “Điện Biên Phủ thứ hai” đối với quân đội viễn chinh Pháp. Ý chí xâm lược của giặc Pháp hoàn toàn tan rã. Na-va thấy càng ngoan cố kéo dài cuộc chiến để giành thắng lợi trong đàm phán, thương lượng, càng tổn thất lực lượng nặng nề hơn mà thôi.

Ngày 20-7-1954, chính phủ Pháp buộc lòng phải hạ bút ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấp nhận đình chiến, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và ở cả ba nước Đông Dương.

Thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên Đông Xuân 1953-1954 là đỉnh cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường LK5 của quân và dân LK5, đồng thời cũng là thành tích to lớn, rực rỡ nhất của một chiến trường phụ phối hợp đắc lực, nhịp nhàng với Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, có những dư âm khá thú vị về chiến dịch Tây Nguyên này.

Những cán bộ cao cấp trước kia không đồng tình và chế giễu anh Chánh, thì đều được anh Chánh vui vẻ bắt tay, càng thêm yêu quý, tin tưởng anh.

Những chiếc xe hồng thập tự cùng những chiếc xe vận tải quân sự thường gọi xe GMC mới toanh, nước sơn xanh bóng, đã được đưa xuống hai chiếc tàu biển Stavropol của Liên Xô và Kilinsky của Ba Lan tập kết ra miền Bắc.

Các xe hồng thập tự đã cùng các cô gái quân y trẻ đẹp và những chiếc GMC lại kéo những khẩu đại bác của GM100, tham gia cuộc diễu binh hùng tráng lần đầu tiên của ta trên Quảng trường Ba Đình, chào mừng Quốc khánh lần thứ 10 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1955.

Còn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Quang kể lại: Tướng Đờ-bô-pho (De Beaufort), Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên kiêm Tư lệnh chiến dịch At-lăng đợt 1 và 2, hết sức thán phục anh Chánh, tỏ ý muốn được gặp “Vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý, cho tổ chức và tham dự cuộc gặp gỡ lý thú này.

Đờ-bô-pho nhìn kỹ anh Chánh và hỏi: “Ngài đã qua trường quân sự nào?”. Anh Chánh tươi cười trả lời: “Tôi chỉ qua mỗi một trường thực tiễn đấu tranh cách mạng”.

Đờ-bô-pho thành thật và cởi mở nói:

- Ngày ấy, nếu ông dấn lên một bước nữa, thì tôi đã bị bắt sống.

Anh Chánh vui vẻ trả lời:

- Tôi sắp hạ lệnh tấn công Buôn Ma Thuột, thì được lệnh của ngài Đại tướng Tổng tư lệnh đây, là địch đã chính thức chấp nhận đình chiến. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến chỉ đạo của ngài Giáp là ngừng tấn công. Không để rơi thêm một giọt máu đào nào nữa của các chiến sĩ và giảm đau thương cho các gia đình bên phía các ông phải có nhiều thêm những người thân bỏ mạng trên chiến trường…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa vui, vừa xúc động. Còn Đờ-bô-pho ngẩn người, im lặng hồi lâu.

Một thời gian ngắn sau đó, Đờ-bô-pho lại đề nghị đồng chí Tạ Quang Bửu (lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có buổi cơm trưa để được gặp lần nữa “Con người đã đánh gục mình”, “Con người đã làm tôi khổ sở, mất ăn mất ngủ ở cái xứ cao nguyên ấy”.

Đờ-bô-pho nhìn anh Chánh rất lâu từ đầu đến chân và thổ lộ: “Tôi sẽ viết lại những cuộc gặp gỡ hiếm có này với ông vào cuốn hồi ký tôi đang viết…”.