Tài sản bị kê biên tương ứng với mức bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại

Cập nhật, 16:27, Thứ Sáu, 26/10/2012 (GMT+7)

Xin cho biết người phạm tội trường hợp nào mới bị kê biên tài sản? Ai là người có thẩm quyền kê biên? Tất cả tài sản đều bị kê biên hay chỉ một phần? Sau khi kê biên, tài sản do ai quản lý?

L.T.C.V. (Vũng Liêm)

Trả lời: Khoản 1 và 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc kê biên tài sản trường hợp chị hỏi, như sau: Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 80 của bộ luật này có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của bộ luật này phải được thông báo ngay cho viện kiểm sát nhân dân (KSND) cùng cấp trước khi thi hành.

Những người có quyền ra lệnh kê biên tài sản (theo khoản 1 Điều 80 Bộ Luật Tố tụng dân sự), gồm:

a) Viện trưởng, phó viện trưởng viện KSND và viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ chánh tòa, phó chánh tòa tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao; hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.

Khi kê biên, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 310 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ