Bảo vệ người cao tuổi trước dịch COVID-19

Cập nhật, 14:05, Thứ Sáu, 17/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Người cao tuổi (NCT) có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 cao gấp nhiều lần so với người trẻ. Do vậy, việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng để NCT luôn giữ được tinh thần lạc quan, có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp phòng ngừa và giảm biến chứng nặng của COVID-19. Trong ảnh: Ông Phạm Minh Tiến (81 tuổi, thương binh 2/4, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) khi tiêm vắc xin.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp phòng ngừa và giảm biến chứng nặng của COVID-19. Trong ảnh: Ông Phạm Minh Tiến (81 tuổi, thương binh 2/4, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) khi tiêm vắc xin.

Có nhiều nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19

Không may mắc COVID-19 và được y- bác sĩ Bệnh viện (BV) Phổi Vĩnh Long tận tình cứu chữa, hơn 3 tuần điều trị, chú N.T.H. và mẹ ruột là bà N.T.N. (84 tuổi, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) khỏi bệnh, được xuất viện. “2 mẹ con đều mắc “cô vít” nên gia đình rất lo lắng, mẹ già càng lo sợ hơn.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y- bác sĩ ở đây mà bệnh tình của 2 mẹ con tôi từ trở nặng đã dần dần bình phục. Họ xem bệnh nhân chúng tôi như người nhà trong gia đình”- chú H. chia sẻ.

Về nhà dù khỏe, sinh hoạt bình thường, song mẹ con chú vẫn quen sinh hoạt như những ngày nằm viện và nhớ lời dặn của bác sĩ để giữ sức khỏe cho bản thân.

“Tui cũng ăn uống đúng bữa, ngủ đúng giờ, giảm ăn mặn, bỏ được thuốc lá, uống thuốc huyết áp đúng giờ và chịu tập thể dục. Mẹ tui cũng vậy, sáng thức là bà ra sân huơ tay, huơ chân làm vài động tác, hít thở nhẹ nhàng.

Tui mua nước muối cho cả nhà súc họng. Qua đợt bệnh kỳ rồi, tui mới biết quý sức khỏe của mình, giờ quyết tâm bỏ nhậu luôn”- chú H. cho biết.

Có bệnh lý về viêm phổi mãn tính, bà Nguyễn Thị Bảy (73 tuổi, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) phải đi khám định kỳ tại BV Phổi tỉnh để lấy thuốc. Song, từ khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, bà được bác sĩ cho thuốc uống đến 2 tháng.

“Dịch bệnh tui ở nhà suốt gần 3 tháng, không qua nhà chị chồng cách đó vài chục mét luôn. Tận dụng tối đa rau trái, cá, gà vườn, hết đồ ăn thì con gái nhờ tổ đi chợ dùm mua. Bác sĩ khuyên tui ăn uống đủ chất, giữ ấm, không làm nặng và không thức khuya coi phim”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Hồi sức tích cực Chống độc (BVĐK tỉnh Vĩnh Long), ở NCT, sự lão hóa tự nhiên của cơ thể sẽ gây nên nhiều biến đổi của cơ thể. Điều này làm suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm.

NCT có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 như nhập viện, chăm sóc tích cực hoặc dùng máy thở để có thể hô hấp được, thậm chí tử vong, đặc biệt ở NCT có nhiều bệnh nền chưa được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạn, ung thư…

Nguy cơ tăng dần ở người từ 50 tuổi và tăng thêm với mỗi nhóm tuổi 60, 70 và 80. Người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất nhiễm bệnh và bệnh diễn tiến nặng.

Do đó, nếu mắc COVID-19, người già dễ tổn thương, bệnh trở nặng nhanh, diễn tiến nguy kịch, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho NCT là “lá chắn thép” hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và NCT nói riêng.

Nên giữ tinh thần lạc quan

Và, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nếu như trước đây ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thì nay những người trên 65 tuổi, đối tượng chính sách, người có bệnh lý nền trên địa bàn Vĩnh Long được tiêm ngừa ngay khi vắc xin được phân bổ về các địa phương.

Ông Phạm Minh Tiến (81 tuổi, thương binh 2/4, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) mừng vui: “Ông và vợ 70 tuổi đã chích ngừa COVID-19 rồi, khỏe ru.

Các chú “áo xanh” đo nhiệt độ, huyết áp, khám kỹ rồi mới cho ông chích. Chích xong, họ còn nói ông về nhà theo dõi, nếu có uể oải hay sốt thì uống thuốc nên ông yên tâm lắm!”

Bà Nguyễn Thị Năm (76 tuổi, Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bà được chích 1 mũi vắc xin rồi, bà mừng lắm. Bà đang chờ tới ngày được chích mũi 2, vắc xin này sẽ giúp bà được bảo vệ. Bà đang ở cùng nhà với con gái út, vợ chồng con chăm bà kỹ lắm từ ăn uống đến thuốc men. Cả nhà đều ý thức thực hiện tốt 5K để góp phần chống dịch”.

Để phòng dịch COVID-19 đối với NCT, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc khuyến cáo, trước tiên, NCT giữ tinh thần lạc quan, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, ăn uống lành mạnh, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng; tuân thủ việc điều trị bệnh mãn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Đặc biệt, tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn, không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài. Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp.

Ngoài ra, NCT chú ý ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Môi trường sinh hoạt trong gia đình nên thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên mở cửa sổ.

Việc cần thiết lúc này là phải hạn chế tiếp xúc xã hội, mang khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe.

Nếu người già trong gia đình nghĩ rằng bản thân mình đã tiếp xúc với người nghi nhiễm SARS-CoV-2 thì hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm tầm soát COVID-19. Người thân có thể giúp các cụ liên hệ ngay với trạm y tế địa phương hoặc đường dây nóng Bộ Y tế 1900 9095 và 1900 3228 để được tư vấn nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, ho, sốt, khó thở,...

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN