"30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam"

Cập nhật, 06:00, Thứ Tư, 02/12/2020 (GMT+7)

Ngày 1/12 là ngày Thế giới phòng chống AIDS và là ngày bắt đầu Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS sẽ tập trung vào chủ đề trên. Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện.

Đó là hành trình không chỉ riêng của những người sống cùng HIV mà còn với rất nhiều đoàn thể, ban ngành và cả những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng họ trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

 Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những người nhiễm HIV đến khám hàng tháng và điều trị bằng thuốc ARV- loại thuốc kháng HIV.
Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những người nhiễm HIV đến khám hàng tháng và điều trị bằng thuốc ARV- loại thuốc kháng HIV.

Nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta có 30 năm ứng phó với dịch HIV và chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đã được đặt ra.

Tại Vĩnh Long để góp phần đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng khống chế sự lây nhiễm và chuyển sang giai đoạn AIDS của người nhiễm HIV.

Truyền thông trực tiếp nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân là hoạt động được ngành y tế Vĩnh Long đẩy mạnh.

Qua đó, không chỉ giúp mọi người hiểu các quy định của pháp luật trong công tác phòng chống HIV/AIDS, các đường lây truyền, tình hình lây nhiễm HIV hiện nay và các biện pháp phòng chống mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Cô Huỳnh Thị Hồng (xã Trung Chánh- Vũng Liêm) cho biết: “Qua cuộc tọa đàm về HIV, giúp tôi có một số kiến thức về hướng dẫn mọi người xung quanh ngăn ngừa nhiễm HIV qua 3 đường mẹ truyền sang con, lây truyền qua máu và quan hệ tình dục. Mình không nên xa lánh, kỳ thị người bị nhiễm HIV để họ không mặc cảm mà điều trị hiệu quả hơn”.

Phát hiện sớm và điều trị dự phòng tốt thì tỷ lệ mẹ truyền HIV sang con rất thấp, thậm chí là 0%. Xác định ý nghĩa quan trọng này, phụ nữ mang thai đến chăm sóc thai kỳ tại cơ sở y tế đều được tư vấn xét nghiệm tầm soát HIV.

Qua đó, những trường hợp được phát hiện nhiễm nhưng đã điều trị dự phòng thì cho kết quả tốt, khi trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (xã Trung Chánh- Vũng Liêm) nói: “Trước nay tôi cứ nghĩ mẹ nhiễm HIV sẽ chắc chắn truyền cho con nhưng khi đến khám tại trạm được nhân viên y tế tư vấn, tôi mới biết người mẹ nếu bị nhiễm HIV mà được phát hiện sớm để có biện pháp điều trị thì có thể không truyền cho con, cho con được khỏe.

Bản thân tôi sẽ thực hiện và vận động mọi người trước khi mang thai và khi mang thai nên đi tầm soát HIV để bảo vệ cho con trẻ”.

Giúp người nhiễm HIV sống lâu, sống khỏe

Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mỗi tháng một lần những người nhiễm HIV lại đến kỳ khám và lấy thuốc ARV.

Chị L.T.M.T. (xã Lộc Hòa- Long Hồ) tâm sự: “Năm đầu, khi phát hiện bệnh, tui bướng cứ nghĩ chết là hết nên hổng cần điều trị. Ai dè bệnh nặng hơn và bị tai biến nên một bên tay chân phải bị yếu”.

Gia cảnh khó khăn, tới kỳ khám, chị được mẹ già gần 80 tuổi đi cùng để hỗ trợ đi đứng. Chị T. tâm sự: “Tui khám, làm xét nghiệm, rồi chụp hình, làm đủ thứ cũng có BHYT lo hết, cũng nhẹ gánh lắm. Giờ chỉ cần tuân thủ điều trị để mình khỏe, mẹ và các con yên tâm hơn”.

Dù có thêm thủ tục BHYT, nhưng toàn bộ quy trình khám và cấp phát thuốc của chị T. vẫn không khác so với trước đây.

“Trước lãnh thuốc sao thì nay vẫn như thế, chỉ phải xuất trình thêm thẻ BHYT thôi, không có sự phiền hà nào cả. Tui tuân thủ đúng lịch khám, uống thuốc đúng liều, đúng giờ và sống lạc quan, nên dù bệnh mà tui vẫn thấy khỏe”- chị T. nói.

Công tác giám sát, phát hiện, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và nâng cao hiệu quả điều trị cho người nhiễm HIV cũng được chú trọng.

Các trường hợp mắc bệnh phần lớn được quản lý và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV. Thuốc ARV có tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút HIV trong cơ thể, có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm.

Theo Ths. bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, tất cả những người nhiễm HIV nếu phát hiện sớm tiếp cận điều trị kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ hướng dẫn của bác sĩ điều trị sẽ làm hạn chế nguy cơ lây lan vi rút cho người khác như vợ chồng, bạn bè, con cái đặc biệt nâng cao chất lượng cuộc sống kéo dài tuổi thọ cho người nhiễm HIV.

“Hiện nay điều quan trọng nhất là tất cả mọi người chúng ta cần nâng cao nhận thức nên đi xét nghiệm kiểm tra, đặc biệt là những đối tượng nhiễm HIV nên tiếp cận sớm với các cơ sở điều trị để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết.

Theo ngành y tế, dịch HIV/AIDS ở Vĩnh Long bắt đầu lan ra các nhóm có nguy cơ thấp và lan ra cộng đồng chủ yếu qua đường tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới.

Để khống chế sự lây lan của căn bệnh này và đạt mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, bên cạnh các biện pháp của ngành chức năng thì việc trang bị thêm kiến thức phòng chống căn bệnh này của mọi người sẽ rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính mình, người thân và cộng đồng.

Ở nước ta, người đầu tiên nhiễm HIV vào năm 1990 là một phụ nữ sống tại TP Hồ Chí Minh hiện vẫn đang sống khỏe mạnh và làm việc bình thường nhờ tuân thủ điều trị tốt. Đây là một trong những trường hợp minh chứng cho chất lượng điều trị tại Việt Nam. Với người nhiễm HIV, nếu được tiếp cận điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt thì sẽ không làm lây truyền HIV, sống khỏe mạnh và tăng tuổi thọ và tuổi thọ có thể đạt gần như người bình thường. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm (thông qua xét nghiệm), điều trị sớm và tuân thủ điều trị là rất quan trọng- các chuyên gia khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN