Viêm tụy cấp- hậu quả "nghiện rượu, bia"

Cập nhật, 23:22, Thứ Sáu, 23/10/2020 (GMT+7)

 

Huyết thanh bệnh nhân đục như sữa sau khi các bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc- BVĐK tỉnh Vĩnh Long lọc lấy ra kịp thời cứu sống bệnh nhân viêm tụy cấp.
Huyết thanh bệnh nhân đục như sữa sau khi các bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc- BVĐK tỉnh Vĩnh Long lọc lấy ra kịp thời cứu sống bệnh nhân viêm tụy cấp.

Theo các bác sĩ, việc uống nhiều rượu, bia sẽ có nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh lý như men gan cao, mỡ máu cao, nguy cơ xơ gan, ung thư gan; tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gout,… Việc uống rượu thường xuyên và quá đà sẽ dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó viêm tụy cấp được đánh giá là tác hại đầu tiên nguy hiểm nhất do lạm dụng rượu bia.

Lạm dụng rượu bia sinh ra nhiều bệnh

Ly rượu, ly bia là “nghi thức” xã giao đôi khi không thể thiếu trong nhiều hoạt động của đời sống. Song việc nhậu nhẹt liên miên là một thói quen xấu, vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Ngày 21/10, Bệnh viện (BV) Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ cho biết, BV vừa cấy máy tạo nhịp tim 3 buồng cho bệnh nhân (BN) U.T.K (40 tuổi, quê Sóc Trăng). Bệnh nhân này uống bia trung bình 15 lon/ngày, 5 ngày/ tuần suốt 15 năm khiến cơ tim giãn nở dẫn đến suy tim nặng.

BN vốn có tiền sử tăng huyết áp nhưng không theo dõi thường xuyên. Thời gian gần đây, anh thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sưng mặt, tay chân. Khi huyết áp lên cao, kèm theo yếu chi, gia đình nghĩ rằng anh K. bị đột quỵ, tức tốc chuyển đến BV Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ.

Tại đây, qua thăm khám và kiểm tra, các bác sĩ kết luận anh K. bị suy tim cấp độ 3, khả năng bơm máu chỉ còn 20% (người bình thường ít nhất là 60%) do cơ tim giãn nở và thiếu máu não. Ngoài ra, anh còn mắc các bệnh khác liên quan đến bia rượu khác như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, men gan cao.

Sau khi tiến hành hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành, BV cho biết anh cần phải thực hiện cấy tạo máy nhịp tim 3 buồng CRT-D giúp cho trái tim đập tốt hơn và tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Nằm trên giường bệnh, BN K. kể, 15 năm qua, vì tính chất công việc phải tiếp khách nhiều, anh “làm bạn” với bia rượu. “Có khi 1 tuần nhậu 5 ngày, có lúc nhậu cả tuần, trung bình nhậu từ 24- 26 ngày/tháng, lúc đầu nhậu ít ít, giờ khoảng 14- 15 lon, có khi nhiều hơn. Tôi cũng biết là uống nhiều bia rượu sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng đôi khi nhậu với anh em, đôi khi phải giao thiệp bên ngoài… rất khó để từ chối”- anh phân trần.

ThS. BS Nguyễn Mạnh Cường- Phó khoa Tim mạch BV Tim mạch- Đột quỵ Cần Thơ cho biết: “Về lượng rượu bia uống bao nhiêu và bao lâu thì dẫn đến giãn nở cơ tim gây suy tim hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể. Song, theo ghi nhận thực tế ở trường hợp tương tự, BN thường có thói quen uống mỗi ngày hoặc tần suất 3 ngày/tuần trong nhiều năm, sẽ gia tăng nguy cơ giãn nở cơ tim, gây suy tim”.

“Ban đầu, các buồng tim sẽ cố giãn nở để giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể, giúp tăng cường khả năng co bóp của tim và duy trì chức năng bơm máu trong thời gian ngắn. Lâu dần, các thành cơ tim yếu đi và không thể bơm mạnh được như trước, dẫn đến tình trạng suy tim”- ThS. BS Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Viêm tụy cấp- hậu quả “nghiện rượu, bia”

Việc uống rượu thường xuyên và quá đà sẽ dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó viêm tụy cấp mới là tác hại đầu tiên nguy hiểm nhất do lạm dụng rượu bia.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, viêm tụy cấp là căn bệnh có thể điều trị khỏi nhưng cũng có thể có biến chứng khôn lường cướp đi tính mạng của người bệnh.

“Nếu như trước đây, tình trạng viêm tụy cấp thường xuất phát căn bản từ nguyên nhân do giun thì hiện nay nguyên nhân dẫn tới viêm tụy cấp lại do một số bệnh lý khác như: mỡ máu, bia rượu nhiều, sỏi mật đang tăng lên một cách rõ rệt, chiếm tới 70% số ca nhập viện, trong đó ghi nhận nhiều ca viêm tụy cấp hoại tử gây suy đa phủ tạng và BN tử vong có liên quan đến sử dụng quá nhiều rượu bia”.

Một BN nam (39 tuổi) uống rượu bia, ăn uống không kiêng cữ dẫn đến rối loạn lipit. Các bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm tụy cấp có biến chứng tổn thương các cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy đa tạng. Sau đó, ê kíp tiến hành điều trị bù dịch, chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế.

Bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc cho biết, sau 12 giờ lọc máu liên tục, BN qua cơn nguy kịch, huyết thanh của BN biến thành màu trắng đục như sữa vì trong động mạch và tĩnh mạch của anh tích tụ lượng mỡ “khủng”.

Kết quả xét nghiệm máu đường huyết tăng cao, bạch cầu máu cao, men tụy tăng cao, rối loạn điện giải, suy thận cấp và rối loạn đông máu trầm trọng, đặc biệt triglyceride (chỉ số về mỡ máu) tăng gấp 50 lần so với bình thường khiến huyết thanh đục như sữa.

Để phòng tránh căn bệnh, bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc khuyến cáo: Người dân cần hạn chế và điều chỉnh thói quen uống rượu, bia là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm tụy cấp và các bệnh lý khác. Nên đi khám sức khỏe định kỳ. Hàng năm, nên tẩy giun định kỳ để phát hiện các rối loạn chuyển hóa và điều chỉnh, phòng tránh từ sớm.

Theo ThS. BS Nguyễn Mạnh Cường- Phó khoa Tim mạch BV Tim mạch- Đột quỵ Cần Thơ, ai cũng biết khi lạm dụng rượu bia sẽ có nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh lý như men gan cao, mỡ máu cao, nguy cơ xơ gan, ung thư gan; tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gout,,… làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ gia đình. Hơn nữa ít người biết rằng, khi lạm dụng rượu bia sẽ làm gánh nặng lên tim và có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là giãn nở cơ tim gây suy tim- nguyên nhân hình thành cục huyết khối trong buồng tim, cục huyết khối này nếu bơm lên não gây tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ não.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN