Quyết chống dịch và nỗ lực cứu chữa bệnh nhân

Cập nhật, 10:57, Thứ Hai, 17/08/2020 (GMT+7)

Ngành y tế Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đã và đang nỗ lực vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa hạn chế các trường hợp tử vong do Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Covid-19 từng được cảnh báo là cú knock out đối với những cơ thể có bệnh lý nền.

Do đó, sau khi phát hiện ổ dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia hồi sức cấp cứu và tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và ê kip y, bác sĩ (từng điều trị thành công cho bệnh nhân 91- phi công người Anh) của Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh vào tâm dịch hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Tuy nhiên, mọi cố gắng cũng chỉ giữ được trọn vẹn trong 1 tuần.

Ngày 31/7, bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở nước ta đã tử vong. 4 ngày sau đó, mỗi ngày lại có 2 trường hợp không cứu được tính mạng.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn trực tuyến điều trị ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch đã phải thốt lên, Covid-19 như giọt nước làm tràn ly, bệnh nhân tử vong là điều bất khả kháng.

“Trong đợt dịch lần này có nhiều bệnh nhân mang sẵn bệnh lý nền rất nặng như suy thận mạn tính, bệnh tim mạch...cộng thêm mắc bệnh Covid-19 thì như "giọt nước làm tràn ly”, GS Bình chia sẻ.

Sau khi ghi nhận trường hợp 55 tuổi tử vong với bệnh lý nền chỉ là tăng huyết áp, đặc biệt khi ghi nhận 3 ca bệnh Covid-19 tử vong trong ngày 13/8 thì nhiều chuyên gia đầu ngành y tế lo lắng.

Liệu có phải chủng virus đợt dịch lần này độc lực mạnh hơn, hay chiến lược, phác đồ điều trị chưa đáp ứng được tình hình thực tế? Trước câu hỏi dư luận đặt ta, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng của Đà Nẵng.

Tính mạng của những người bệnh tại đây vốn đã rất mong manh, sự sống phụ thuộc vào máy thở hoặc thiết bị lọc máu thì nay nhiễm thêm virus SARS-CoV-2, cơ thể không thể chống đỡ nổi cơn bạo bệnh.

"Mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về cho tôi nói rằng “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin.

Ngày 13/8 vừa qua, Bộ Y tế đã tức tốc cử thêm 3 chuyên gia đầu ngành về điều trị tích cực, truyền nhiễm và tim mạch vào miền Trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc cùng các thầy thuốc vùng dịch điều trị cho những bệnh nhân nặng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chỉ đạo thầy thuốc các chuyên khoa duy trì hội chẩn trực tuyến từ xa giúp các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bởi lẽ quá trình điều trị những ca bệnh này mang tính đặc thù, việc đưa bệnh nhân đi chiếu chụp rất phức tạp nên cần có những kinh nghiệm chẩn đoán lâm sàng để ứng phó với những diễn tiến bất thường có thể xảy ra. 

Chỉ huy trưởng lực lượng tiền phương của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng sau đợt dịch lần này, ngành y tế đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm lớn.

Đó là không thể để Covid-19 hoành hành trong những cộng đồng sức khỏe yếu như tại bệnh viện; cần phát hiện, điều trị sớm ca bệnh và cá thể hóa từng bệnh nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.

“Phác đồ điều trị đã được chúng tôi điều chỉnh 6 lần. Với sự nỗ lực của các chuyên gia đầu ngành, nhân viên y tế, mọi nguồn lực cần thiết sẽ được tập trung để cứu chữa những bệnh nhân nặng hiện nay.

Khoảng 200 chuyên gia và y bác sĩ tuyến trung ương, cùng 600 m3 vật tư thiết bị y tế được điều tới miền trung để dập dịch.

Chúng tôi hy vọng cuối tháng 8 sẽ cơ bản kiểm soát được Covid-19 ở Đà Nẵng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Các ca dương tính tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đang cấp cứu điều trị cho 12 bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển ra. Một số bệnh viện trong vùng dịch vẫn có những ca bệnh tương đối nặng.

Với tinh thần "còn nước còn tát", để cứu sống những bệnh nhân nguy kịch, hàng nghìn y, bác sĩ vẫn đang túc trực tại vùng dịch, nhiều đêm thức trắng và không có ngày nghỉ. Đối với họ việc tìm mọi cách để “giọt nước không tràn ly”, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong vì Covid-19 là nhiệm vụ khó khăn nhưng cao cả nhất hiện nay./.

Theo Văn Hải/VOV