Chủ động phòng dịch COVID-19 ở người cao tuổi

Cập nhật, 05:45, Thứ Sáu, 03/04/2020 (GMT+7)

Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, trong đó, người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao dễ bị mắc bệnh và điều trị khó khăn do cơ thể mang nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước dịch COVID-19 là vô cùng cần thiết.

Người cao tuổi có bệnh lý nền cần tuân thủ lịch khám điều trị của bác sĩ.
Người cao tuổi có bệnh lý nền cần tuân thủ lịch khám điều trị của bác sĩ.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo các chuyên gia y tế, đối với những bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 kèm các bệnh lý mãn tính, như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mạn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận... thường có triệu chứng nặng hơn những người khác.

Họ cũng là những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Có bệnh lý về viêm phổi mãn tính, bà Nguyễn Thị Bảy (72 tuổi, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) phải đi khám định kỳ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để lấy thuốc. Song, từ khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, bà được bác sĩ cho thuốc uống đến 2 tháng.

“Bác sĩ khuyên tui hạn chế tối đa ra đường. Tui khám bịnh xong về liền hà, đi chợ có con gái mua cho. Ở nhà còn chồng bị tai biến nữa nên bác sĩ và con cháu dặn phải ở nhà; có ra ngoài phải đeo khẩu trang, ăn uống đủ chất, không thức khuya coi phim nữa”.

Đến từng hộ gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính để kiểm tra thân nhiệt, đo huyết áp và phát thuốc tại nhà là những công việc mà các cán bộ trạm y tế xã- phường trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trước dịch COVID-19.

Đồng thời, hướng dẫn họ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, qua đó, giúp người cao tuổi biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình.

Bà Phạm Thanh Hoàng (71 tuổi, xã Hòa Hiệp-Tam Bình) cho biết: “Tui có bệnh huyết áp, tiểu đường, nên phải chú ý sức khỏe ăn uống, thuốc men đầy đủ, đúng giờ, đúng cữ. Nghỉ ngơi thoải mái, mình không có cãi lời bác sĩ, người ta dặn sao mình làm vậy, ra đường đeo khẩu trang đàng hoàng”.

Theo nữ hộ sinh Nguyễn Ngọc Nữ- Phó trưởng Trạm Y tế xã Hòa Hiệp (Tam Bình), ngoài việc chăm sóc định kỳ thường xuyên cho người cao tuổi, trong đợt dịch COVID- 19, trạm hướng dẫn người chăm sóc người cao tuổi và bản thân người cao tuổi chăm sóc sức khỏe bằng cách tăng cường dinh dưỡng, nghĩ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Đồng thời, giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống xung quanh, nhắc người cao tuổi hạn chế ra khỏi nhà, luôn luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà bông sát khuẩn.

Chủ động nâng cao thể trạng, phòng COVID-19 cho người cao tuổi

Ngoài ý thức sức khỏe, người cao tuổi còn tích cực vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ phòng COVID-19.
Ngoài ý thức sức khỏe, người cao tuổi còn tích cực vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ phòng COVID-19.

Thực hiện khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhiều người cao tuổi ở tỉnh Vĩnh Long ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình bằng nhiều biện pháp thiết thực. Trong đó, hạn chế tiếp xúc xã hội và duy trì lối sống khoa học đang được nhiều người thực hiện.

Những ngày gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa (68 tuổi) cũng như các thành viên khác trong CLB dưỡng sinh của xã Hòa Hiệp (Tam Bình) không còn cùng nhau tập dưỡng sinh, thể dục buổi sáng, mà tự tập ở nhà nhằm hạn chế tiếp xúc đông người.

Sau buổi tập bà cũng không quên bổ sung cho mình những ly nước mát giàu chất dinh dưỡng và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa cho biết: “Giờ mọi người không tập chung với nhau nữa để tránh tụ tập đông người, tui tự tập ở nhà. Tui cũng ăn uống đủ chất, khi đi chợ tui đeo khẩu trang. Mặc dù mình được Nhà nước chăm sóc kỹ lưỡng nhưng mình tự bảo vệ mình trước cái đã. Nhà nước còn nhiều chuyện lo cho dân lắm”.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn do người cao tuổi sức đề kháng yếu lại mắc nhiều bệnh nền nên khi mắc COVID- 19 sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị và phục hồi.

Để phòng dịch COVID-19 đối với người cao tuổi, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- khuyến cáo, trước tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, tuân thủ việc điều trị bệnh mãn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Đặc biệt, với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch...

Ngoài ra, người cao tuổi chú ý ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Môi trường sinh hoạt trong gia đình nên thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên mở cửa sổ.

Việc cần thiết lúc này là phải hạn chế tiếp xúc xã hội, mang khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương cần phải thống kê, lập danh sách, từ đó có các khuyến cáo, thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.

Trong trường hợp thật sự cần thiết, người cao tuổi mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, như hết thuốc, cần chỉnh liều, nhiễm bệnh... và khi ra đường cần đeo khẩu trang.

Tại Việt Nam, độ tuổi nhiều người mắc COVID-19 nhất là từ 50-64 tuổi (chiếm hơn 35%). Hiện tại, trong số 3 ca bệnh nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) có 2 ca, gồm một bệnh nhân người Việt Nam 64 tuổi và một bệnh nhân người Anh 69 tuổi đều có từ 1 đến 2 bệnh lý nền.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN