Chung tay hành động, chấm dứt bệnh lao

Cập nhật, 15:27, Thứ Sáu, 27/03/2020 (GMT+7)

Nếu công tác phòng chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện. Để giảm sự gia tăng của bệnh lao và tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh lao.

Ngoài việc bắt buộc đeo khẩu trang y tế, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, trong mùa dịch COVID-19, bệnh nhân và thân nhân đến bệnh viện còn phải thực hiện thêm 1 bước sàng lọc y tế.
Ngoài việc bắt buộc đeo khẩu trang y tế, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, trong mùa dịch COVID-19, bệnh nhân và thân nhân đến bệnh viện còn phải thực hiện thêm 1 bước sàng lọc y tế.

Tăng cường y tế công tư, phòng chống bệnh lao

Theo khảo sát của chương trình chống lao quốc gia, 37% người có triệu chứng hô hấp đến lần đầu với y tế tư nhân và 40% các cơ sở y tế tư kê đơn điều trị bệnh nhân lao trước khi người bệnh được chẩn đoán xác định mắc lao.

Để tăng cường phối hợp hiệu quả chẩn đoán sớm người bệnh lao để giảm nguồn lây trong cộng đồng, từ năm 2017, Vĩnh Long triển khai công tác phối hợp y tế công tư phòng chống lao và đến nay đã có hơn 30 cơ sở y tế tư nhân tham gia.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, việc phối hợp y tế công tư là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ mắc lao và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Tỉnh đang triển khai chuyển gửi bệnh nhân nghi lao đến chương trình chống lao và chẩn đoán bệnh nhân lao tại cơ sở đưa về quản lý. Đồng thời, 10% số bệnh nhân phát hiện lao được chuyển từ y tế tư nhân đến chương trình chống lao góp phần rất lớn cho việc phát hiện và quản lý bệnh lao.

Theo ngành y tế, dịch tễ lao của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn cao, năm 2019 khoảng 130 người mắc lao trên 100.000 dân. Số ca lao mới có kháng thuốc cao, hiện chương trình lao của tỉnh đang quản lý trên 50 ca lao kháng thuốc.

Hiện nay, vẫn còn khoảng 20% người mắc lao chưa được phát hiện và đó là nguồn lây lớn cho cộng đồng. Việc phối hợp y tế công tư trong phòng chống lao sẽ góp phần tăng tỷ lệ phát hiện, điều trị khỏi bệnh nhân lao và hạn chế lây lan cho cộng đồng; đồng thời, đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Phúc- Trưởng Khoa Nội- Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An Loan Trâm cho rằng, xác định lao là bệnh truyền nhiễm và được Nhà nước hỗ trợ điều trị nên dù có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh lao nhưng bệnh viện vẫn chủ trương khi phát hiện bệnh nhân lao sẽ chuyển đến chương trình chống lao của tỉnh để quản lý điều trị nhằm giúp người bệnh giảm chi phí và đạt hiệu quả cao trong điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng.

Chung tay hành động, chấm dứt bệnh lao

Bệnh nhân tuân thủ lịch tái khám tại bệnh viện.
Bệnh nhân tuân thủ lịch tái khám tại bệnh viện.

Để góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, mỗi người trong cộng đồng cần hiểu rõ hơn về sự lây truyền bệnh, để phòng ngừa căn bệnh này.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền, thực tế là nhiều người dân vẫn chưa có ý thức đầy đủ về căn bệnh lao là bệnh truyền nhiễm. Mỗi năm gây ra cái chết cho hơn 1,5 triệu người toàn cầu và tại Việt Nam, con số này là hơn 17.000, mặc dù đã có phác đồ điều trị hiệu quả.

Những người có nguy cơ mắc lao cao nhất là những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Nhiều người còn có thái độ kỳ thị hoặc mặc cảm dẫn đến tình trạng giấu bệnh, không đi khám sớm hay rào cản về kinh tế càng khiến bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian lây lan ra cộng đồng.

Nhiều bệnh nhân phát hiện bị lao nhưng không tuân thủ điều trị, không thực hiện đầy đủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, siêu kháng thuốc.

“Ai cũng có nguy cơ hít phải vi trùng lao bất cứ lúc nào do người mắc bệnh lao ho, khạc ra ngoài làm vi khuẩn lao phát tán, lơ lửng trong không khí. Do vậy, tỷ lệ người hít phải vi khuẩn lao lần đầu tiên trong đời thường là lúc người ta còn trẻ, thường xuyên sinh hoạt ở nơi đông người...

Song, không phải ai hít vi khuẩn lao cũng bị mắc bệnh lao mà chỉ 5-10% số người hít phải vi khuẩn lao sau đó mới phát sinh bệnh”- bác sĩ Thanh Truyền cho biết.

Theo các bác sĩ, trên 80% người có vi khuẩn lao nhưng không phát bệnh. Người bị sốt, biếng ăn, sụt cân, ho kéo dài 2-3 tuần mà điều trị thuốc không khỏi phải nghĩ đến bệnh lao, nên đi khám để phát hiện và điều trị sớm và phải điều trị thành công để cắt đi nguồn lây trong cộng đồng.

Đang điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, chị L.H.N. (30 tuổi, xã Tân Hạnh- Long Hồ) hối hận vì mình chủ quan không đi khám sớm để điều trị bệnh lao sớm hơn.

“Tôi hay ho hụ khụ kéo dài. Do cơ địa ốm sẵn nên sụt 2 ký tôi cứ nghĩ mình bị viêm amidan nên ăn uống không ngon. Tôi tự ý mua thuốc uống cũng không hết, đi khám tai mũi họng, bác sĩ khuyên vô bệnh viện khám lao thì mới biết bị nhiễm lao. Giờ tôi phải điều trị theo đúng phác đồ”.

Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm 2020: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam thanh toán bệnh lao vào năm 2030” là cơ hội tốt để mỗi người phòng chống từ xa căn bệnh lao này.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Lao và COVID-19, tuy 2 nhưng nếu biết cách phòng ngừa thì chỉ 1 mũi tên cũng trúng được 2 mục đích, đòi hỏi chúng ta phải đeo khẩu trang đúng cách; luôn giữ gìn sức khỏe để có thể lực tốt, cách sống khoa học tạo ra sức đề kháng đủ mạnh để khắc chế sự bùng phát của vi trùng lao hay SARS-CoV-2 tấn công; chống lại tác nhân gây bệnh.

Ngoài việc bắt buộc đeo khẩu trang y tế là điều được duy trì lâu nay tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, trong mùa dịch COVID-19, bệnh nhân và thân nhân đến bệnh viện còn phải thực hiện thêm bước sàng lọc y tế (đo thân nhiệt, xịt sát khuẩn tay và khai báo y tế). Đây là bước quan trọng để phân luồng bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 khi mà biểu hiện triệu chứng của lao và viêm hô hấp cấp do SARS-CoV-2 cùng là sốt, ho và khó thở.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN