Nhồi máu cơ tim- một biến chứng nguy hiểm

Cập nhật, 11:54, Thứ Sáu, 07/02/2020 (GMT+7)

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Với y học hiện đại ngày nay, một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể được đưa đi cấp cứu sớm và được điều trị để qua cơn nguy kịch. Người bệnh có thể sống một thời gian rất dài sau này nếu như họ có hiểu biết rõ ràng về bệnh tim mạch và biết cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả.

Với y học hiện đại ngày nay, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể qua cơn nguy kịch nếu được đưa đi cấp cứu sớm.
Với y học hiện đại ngày nay, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể qua cơn nguy kịch nếu được đưa đi cấp cứu sớm.

Theo Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, ngày 5/2/2020 các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp của BV vừa can thiệp thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim trong thời gian rất ngắn 10 phút.

Bệnh nhân Trần Văn D. (49 tuổi, ở TP Cần Thơ) có bệnh lý đái tháo đường 15 năm, tăng huyết áp điều trị liên tục. Tình trạng lúc vào viện là bệnh nhân còn đau ngực trái nhiều, vã mồ hôi, khó thở. Dựa vào thăm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng giờ thứ 2 và có chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu.

Thời gian từ lúc vào viện đến lúc chuyển đi can thiệp là 20 phút. Trong lúc chuyển đến phòng can thiệp khi vừa đến thang máy vận chuyển bệnh nhân đột ngột co gồng người, tím tái, ngưng tim.

Do tiên đoán các biến chứng có thể xảy ra trên đường vận chuyển đến phòng can thiệp nên ê kíp bác sĩ can thiệp tiến hành xoa bóp tim, sốc điện, hô hấp hỗ trợ, sau 10 phút cấp cứu bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Các bác sĩ vừa hồi sức kết hợp sử dụng thuốc chống loạn nhịp và nhanh chóng chuyển đến phòng can thiệp.

Tại phòng can thiệp, do được khởi động sẵn sàng hệ thống máy chụp mạch vành nên quá trình thực hiện rất nhanh. Ê kíp can thiệp tiến hành chụp và can thiệp mạch vành cho bệnh nhân.

Thời gian từ lúc đâm kim đến lúc tái thông mạch vành là 10 phút. Kết quả chụp mạch vành thân chung mạch vành không hẹp, động mạch vành nhánh liên thất trước đoạn I bị tắc và có huyết khối, hẹp 30% đoạn III.

Đồng thời, tiến hành sử dụng bóng nong nhánh liên thất trước, can thiệp thành công san thương nhánh liên thất trước đoạn I-II bằng stent phủ thuốc.

Thời gian hoàn tất quá trình đặt stent là 15 phút. Sau can thiệp, sinh tồn bệnh nhân ổn định, bớt đau ngực nhiều, không khó thở, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt và được tiếp tục theo dõi tại Khoa Tim mạch can thiệp. Sáng 6/2/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, giảm đau ngực nhiều, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Triệu, nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước phát triển. Những năm gần đây ở Việt Nam, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng tăng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Người có yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ gia tăng nhồi máu cơ tim rất cao. Trong đó cần lưu ý đến tình trạng béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, người có lối sống ít vận động và tập thể dục, ăn nhiều chất béo, uống rượu, hút thuốc lá, thường xuyên bị stress.

Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp, suy bơm. Tử vong của nhồi máu cơ tim xảy ra với tỷ lệ cao nhất chính là vào giờ đầu tiên. Bởi vậy, việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng của bệnh nhân.

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực, điển hình với triệu chứng đau phía sau xương ức, có cảm giác bị đè nặng, bóp nghẹt và một số bệnh nhân có cảm giác giống như dao đâm.

Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút thì đó là dấu hiệu điển hình của cơn đau thắt ngực và gợi ý bệnh cảnh nhồi máu cơ tim. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn...

Để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim, chúng ta cần thường xuyên theo dõi cân nặng, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia; tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên, trung bình 30 phút/ngày; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa; kiểm soát cholesterol máu; thường xuyên khám tầm soát các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp và thực hiện lối sống điều độ, tránh căng thẳng thần kinh…

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ, khi phát hiện những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để có những xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Các phương pháp tim mạch can thiệp có thể giúp mở thông lại động mạch vành giúp lập lại dòng máu và cứu sống bệnh nhân. Qua đó, có thể giúp cho bệnh nhân giảm triệu chứng, làm bệnh nhẹ đi, dự phòng hoặc giảm tối đa tổn thương cơ tim.

Phương pháp này có hiệu quả nhất nếu chúng ta làm trong giờ đầu tiên sau khi có nhồi máu hoặc ít hơn 6 tiếng sau nhồi máu sẽ thu hiệu quả nhiều hơn. Chậm trễ hơn mỗi giờ sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Vì vậy, cần đến bệnh viện có đơn vị can thiệp sớm nhất có thể.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN