Thuốc lá và sức khỏe

Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt

Cập nhật, 10:02, Thứ Sáu, 27/12/2019 (GMT+7)

Nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, bởi hàng chục năm sau khi bỏ thuốc, phổi của người hút vẫn chưa thể phục hồi.

Hút thuốc lá cực kỳ có hại cho phổi và tránh hút thuốc là điều bạn nên làm.
Hút thuốc lá cực kỳ có hại cho phổi và tránh hút thuốc là điều bạn nên làm.

Bác T. sống ở Phường 1 (TP Vĩnh Long)- chạy xe ôm cho hay “chạy xe ôm bây giờ ế lắm”. Tuy nhiên, để tự chủ chi phí sinh hoạt cá nhân bác vẫn chạy đều đều. Bác nói, riêng tiền hút thuốc chiếm một nửa chi phí sinh hoạt hàng ngày với “2 gói thuốc hết 40.000đ”. Theo bác thì “đã quen hút nhiều năm nay, có bệnh chắc cũng bệnh rồi nên… cứ hút”.

Chú H. (73 tuổi, ở xã Hòa Phú- Long Hồ) cũng hút thuốc mấy chục năm nay vì “đã quen hút”. Chị L.- con chú H.- tâm sự: “Ba tôi hút thuốc lá hơn 50 năm rồi. Mỗi lần hút thuốc, ba cố tránh ra hàng ba nhưng mùi thuốc lá vẫn bay vào nhà. Người lớn thì đã quen nhưng thương nhất là trẻ con”.

Trong khi đó, anh A. (30 tuổi, ở xã Tân Lộc- Tam Bình) thì cho hay, anh đã giảm hút thuốc lá từ 1 gói/ngày xuống còn nửa gói. Anh định duy trì ở mức đó để… giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Thực tế, người hút thuốc lá ít có phải sẽ khỏe hơn so người hút số lượng nhiều? Và, có phải đã quen hút số lượng nhiều và nhiều năm thì không cần bỏ thuốc?

Theo kết quả nghiên cứu mới của ĐH Colombia công bố hồi tháng 10/2019, cả những người còn hút thuốc và đã bỏ đều có phổi yếu hơn so với những người chưa từng hút thuốc. Không có sự khác biệt lớn giữa phổi của những người hút ít và hút nhiều. Theo nghiên cứu, hút dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày gây tổn thương phổi bằng 2/3 lần tác hại của việc hút hơn 30 điếu. Nói cách khác, nếu người nghiện thuốc lá nặng mất chức năng phổi sau 9 tháng thì người hút ít cũng sẽ phải chịu cảnh tương tự sau một năm.

Chức năng phổi sẽ bị suy giảm theo tuổi tác. Tuy nhiên, hút thuốc đã đẩy nhanh quá trình này, khiến người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các vấn đề khác về hô hấp. 

Nhóm nghiên cứu khuyên mọi người nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, bởi hàng chục năm sau khi bỏ thuốc, phổi của người hút vẫn chưa thể phục hồi. TS. Elizabeth Oelsner- thành viên nhóm nghiên cứu, bác sĩ nội khoa của Trung tâm Y tế Irving, ĐH Colombia- cho biết những rủi ro sức khỏe do thuốc lá không bao giờ biến mất hoàn toàn. Chức năng phổi có thể bị suy giảm vì các bệnh phổi hoặc hít phải khói thuốc từ người khác, nhưng hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất.

TS. Oelsner khuyên: “Theo nhiều cách khác nhau, thông điệp quan trọng nhất vẫn là hút thuốc lá cực kỳ có hại cho phổi và tránh hút thuốc là điều tuyệt nhất bạn có thể làm”. 

Bài, ảnh: SONG ANH